Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền ở bản Sưng của xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) từ bao đời nay. Đến nay, người Dao Tiền nơi đây vẫn giữ thói quen tự nhuộm, dệt cho mình những bộ trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc. Từ đó, họ tạo bản sắc riêng, gắn với phát triển du lịch, tăng thu nhập.
Hoa văn độc đáo, tinh tế trên trang phục của người phụ nữ chứa đựng nhiều điều thú vị về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao Tiền.
Nhiều phụ nữ Dao Tiền ở bản Sưng cho biết, phong tục từ xưa, con gái người Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để khi lớn lên có thể tự tay may váy cưới cho mình. Từ khi lên 10 tuổi, họ bắt đầu học thêu thùa, dệt và nhuộm thổ cẩm. Các bà, mẹ dạy họ từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp.
Phụ nữ Dao Tiền ở Bản Sưng tự tay nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN
Chị Lý Thị Thiên cho biết, để tạo ra những bộ trang phục truyền thống, đầu tiên phải đi lấy lá chàm, ngâm, ủ lá, sau đó, vớt bỏ bã tiếp tục cho vôi vào đánh tan, lắng đọng sẽ được cốt chàm. Cốt chàm hòa cùng nước sạch, rồi lọc lấy nước, dùng để nhuộm ra những mảnh vải màu đen tím. Công đoạn nhuộm vải thường mất thời gian do vải được ngâm trong nước chàm. Cứ khoảng 20 phút, vải được vớt ra vắt khô rồi đem phơi nắng. Vải khô lại cho vào ngâm tiếp trong nước chàm. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi có được màu chàm ưng ý. Một tấm vải có màu đẹp, bền thường phải mất từ 20 - 30 ngày mới nhuộm xong.
Để có một sản phẩm ưng ý, người Dao Tiền phải thực hiện nhiều khâu. Để có sáp ong tốt in trang phục, tới mùa Hạ và mùa Thu, phụ nữ bản Sưng sẽ vào rừng tìm sáp ong rừng và ong khoái. Khi in vải, sáp ong được lọc lại cho thật sạch không bị lẫn tạp chất, rồi cho vào bát hoặc đĩa nhỏ để trên lên than hoa, giữ mức lửa nhỏ nhằm duy trì độ nóng giúp sáp in mịn, sắc nét. Phụ nữ bản Sưng dùng công cụ in là thân trúc vót mỏng uốn thành các khung nhỏ, ống nứa tròn nhỏ và dụng cụ chữ T bằng đồng nhỏ chấm vào sáp ong để in các họa tiết trên vải. Việc in hoa văn đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng để đường in lên vải đều, đẹp, không bị cong, lệch.
Để có những tấm vải in sáp ong đẹp, người Dao Tiền in sáp ong lên vải, chờ đến khi sáp ong khô, mới nhuộm chàm rồi phơi. Khi đủ sắc chàm, tấm vải được nhúng vào nước sôi để sáp ong tan ra. Các hoa văn đã in mới hiện rõ nét trên nền chàm. Nhiều công đoạn như vậy nên để làm một bộ trang phục truyền thống của người Dao Tiền thường rất công phu.
Lúc nhàn rỗi, phụ nữ Dao Tiền thường tự tay nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và may quần áo cho các thành viên trong gia đình. Hoa văn in trên vải trang phục thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ, cẩn trọng của mỗi người. Người con gái Dao Tiền về nhà chồng, chỉ cần nhìn vào trang phục là biết cô dâu khéo léo, chăm chỉ và thu vén cho gia đình.
Chị Lý Thị Nhất ở tổ thổ cẩm Dao Tiền bản Sưng cho biết, vải sau khi được nhuộm, thêu hoàn chỉnh, ngoài may trang phục còn làm thành đồ trang trí nội thất hay những chiếc túi xinh xắn… Từ khi phát triển du lịch, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến đây.
Hiện nay, tổ thổ cẩm Giao Tiền có 12 thành viên tham gia làm sản phẩm thổ cẩm thêu tay thủ công, in hoa văn sáp ong như túi xách, khăn đội đầu, bộ quần áo truyền thống, váy, ví… giá từ 200 - 500 nghìn đồng/sản phẩm. Đây là các mặt hàng lưu niệm mang nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của người Dao Tiền (Đà Bắc), phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách khi đến du lịch ở bản Sưng. Tổ thổ cẩm bản Sưng đã tạo việc làm ổn định và thu nhập kinh tế cho nhiều lao động địa phương.
Chị Đoàn Hương Giang (khách du lịch Hà Nội) cho biết, bản Sưng là điểm đến thú vị, nơi đây có không khí trong lành và yên tĩnh. Đặc biệt, văn hóa, tập tục người Dao Tiền vẫn còn lưu giữ được vẹn nguyên. Các sản phẩm thêu thổ cẩm với những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Qua đó, khách du lịch được trải nghiệm văn hóa rất riêng mà nơi khác không có được.
Bà Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết, huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân bản Sưng, tạo thuận lợi để các dự án du lịch của đơn vị lữ hành trong và ngoài nước tiếp cận không gian du lịch cộng đồng ở bản Sưng. Cùng với đó, huyện tiếp tục phát huy, bảo tồn các nghề truyền thống của địa phương như dệt, nhuộm thổ cẩm...; tăng cường đào tạo cán bộ về kỹ năng truyền thông và tiếp thị, thực hành chăm sóc khách hàng.
Hiện nay, bản Sưng đang trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa, đặc biệt là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nghề thêu, vẽ, nhuộm thổ cẩm của người Dao Tiền không chỉ đơn thuần là nghề truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là một loại hình du lịch trải nghiệm độc đáo đối với du khách, bởi họ có thể trực tiếp tham gia các công đoạn từ nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu và mua những chiếc khăn, bộ trang phục, túi đeo…mang về làm quà lưu niệm. Qua đó, không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế.
Lưu Trọng Đạt