Thổi khèn trong ngày xuân của người Mông ở Yên Bái. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN |
Cũng như cộng đồng người Mông sống ở miền núi phía bắc, người Mông xã Chế Cu Nha có đời sống văn hoá tín ngưỡng khá phong phú, sự đa dạng ở đây được thể hiện trong từng dòng họ, từng gia đình qua cách thờ cúng, kiêng kỵ và quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Người Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Vì thế hàng năm bà con đều tổ chức Nghi lễ “Sâu khấu”.
Nghi lễ "Sâu khấu" được tổ chức vào dịp cuối năm, thường diễn ra vào buổi tối, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.
Theo quan niệm của người Mông, việc tổ chức lễ cúng luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh. Trước khi diễn ra nghi lễ này, gia chủ tổ chức lễ cúng có trách nhiệm thông báo trước với mọi người trong dòng họ để cùng bàn bạc, phân công, thống nhất về thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức nghi lễ.
Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn; gà trống 2 con để làm lễ chính đã được luộc chín, 1 con gà trống còn sống để khi thực hiện nghi lễ; giấy dó được gấp và dán quanh nơi thờ cúng, thể hiện các linh vật trong nghi lễ; chỉ 3 màu gồm: đỏ, vàng và trắng; các ống tre cùng một số lễ vật, biểu tượng khác.
Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, mâm lễ cúng đã sắp đầy đủ, những người trong dòng họ tề tụ đông đủ cùng tham gia làm lễ cúng. Mọi người lấy tất cả số chỉ ba màu bện chặt vào nhau và nối thành sợi dây dài, những tập giấy đó cắt thành khuôn và gập, sắp xếp theo nghi lễ, tượng trưng cho những linh vật mà người Mông quan niệm để thờ cúng cho may mắn trong năm. Trưởng dòng họ (thầy cúng) với trang phục truyền thống đầu đội mũ làm bằng giấy bìa màu trắng, tay cầm thanh la, sau đó ngồi và bắt đầu làm lễ.
Thầy cúng cầm bó hương khấn cầu các hương hồn của thần núi, thần sông phù hộ cho dòng họ một năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương… gọi các vật nuôi như gia súc, gia cầm về chuồng trại, xua đuổi những gì không may mắn của năm cũ, mọi thành viên trong dòng họ quỳ gối chắp tay lạy ba lạy khi có yêu cầu của thầy cúng. Trong quá trình làm lễ, một người đàn ông trong dòng họ được phân công phụ giúp thầy cúng, cầm 2 chân con gà trống, sau đó làm động tác đưa lên đưa xuống tạo hai cánh gà thành hai cánh quạt, quạt vào những tấm giấy dó, nếu những mảnh giấy bay đi thì là điềm lành cho năm tới, nếu những mảnh giấy dó không bay có nghĩa là năm mới sẽ không gặp may mắn.
Tiếp đến, thầy cúng sẽ gặp và làm tư tưởng để động viên mọi người không sợ đen đủi, cứ yên tâm lao động sản xuất, sống đúng đạo lý của người Mông, của dòng họ thì sẽ được thần linh, tổ tiên phù hộ.
Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người trong dòng họ có mặt tại nghi lễ xếp theo một vòng tròn, thầy cúng dùng những sợi chỉ màu đã được bện và nối sẵn, đi theo một vòng tròn những người trong dòng họ, cuộn chỉ đi hết đến người cuối cùng, cũng là đích của gia chủ đó sang năm đến lượt tổ chức nghi lễ. Đây là sợi chỉ ràng buộc của đồng bào Mông, thể hiện sự đoàn kết nội bộ của dòng họ.
Có thể thấy, Nghi lễ "Sâu khấu" dân tộc Mông xã Chế Cu Nha là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp.
Theo dantocviet.cinet.gov.vn