Nét duyên vùng cao nguyên đá Lục Khu

Nét duyên vùng cao nguyên đá Lục Khu
Thông thường, ở Lục Khu, khi tiết trời đã sang xuân, người phụ nữ rủ nhau lên nương gieo hạt bông. Hạt bông được trồng đầu tháng 2 âm lịch. Khoảng 3 - 4 tháng sau thì bông cho thu hoạch, mọi người đem bông về tách bỏ hạt, ép bông thành cuộn rồi kéo vào khung quay để tạo thành những sợi nhỏ, chắc chắn, sau đó được đưa lên khung cửi dệt thành những tấm vải. Nếu không dùng bông, người dân dùng vỏ cây lanh tước thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Các sợi lanh được mắc vào khung quay se cho thật chắc, sau đó đem cuộn lại, luộc trong nước tro. Khi giặt sạch nước tro, sợi lanh chuyển sang màu trắng, lúc ấy việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Phải mất nhiều ngày dưới đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù của người phụ nữ dân tộc Nùng nơi đây đã biến những sợi bông mảnh thành những tấm vải trắng. 
 
Phụ nữ xóm Táy Trên, xã Thượng Thôn khâu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) khâu áo nam truyền thống của người Nùng.
Phụ nữ xóm Táy Trên, xã Thượng Thôn khâu, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) khâu áo nam truyền thống của người Nùng.

Nếu việc trồng bông, dệt vải đã tốn rất nhiều công sức thì công đoạn nhuộm vải cũng đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ với nhiều công đoạn: Lấy nước sạch xuống chum to rồi lấy nước lọc từ tro bếp (tảu đắng) xuống hòa với nước và lấy cây xỏm (cây để nhuộm chàm) đun lấy nước kết hợp với nước tảu đắng ở chum tạo thành màu nước hồng nhạt và có mùi thơm, khuấy đều và để vài ngày. Khi muốn nhuộm vải trắng thành vải chàm người ta lấy vải trắng đem luộc cho vải mềm mới tiến hành nhuộm.

Cách thức nhuộm: Ngày đầu ngâm vào nước nhuộm và vớt lên giặt vải qua nước sạch 3 lần. Ngày hôm sau tiếp tục ngâm và giặt 2 lần, sau đó, lấy vải nhuộm rửa qua nước sạch, phơi khô, xong tiếp tục nhuộm tiếp cho đến khi vải thành màu chàm, giặt không phai mới thôi. Còn nhuộm vải trắng thành màu đen thì khi đã có miếng vải màu chàm họ tiếp tục nhuộm nhiều lần cho vải chuyển màu đen sau đó phơi khô, gấp mặt vải vào thành từng lớp rồi đặt xuống tấm ván phẳng nhẵn, dùng chày gỗ giã nhẹ đều tay cho đến khi mặt vải nhẵn và đen bóng. Mảnh vải chàm có thể dùng để may trang phục, mặt gối, mặt chăn...
 
Phụ nữ dân tộc Nùng vùng Lục Khu mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Phụ nữ dân tộc Nùng vùng Lục Khu mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Khi đã có được tấm vải màu chàm hay đen ưng ý cũng là lúc phụ nữ ở Lục Khu tranh thủ may trang phục truyền thống cho cả gia đình. Nét độc đáo trên trang phục của dân tộc Nùng không phải hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng. Cả nam và nữ đều mặc một loại quần cạp to, ống rộng, dài tới mắt cá chân và các đường viền chỉ màu tập trung rõ nhất ở tà và gấu áo.

Nam giới người Nùng thường mặc áo dài ngang hông, tứ thân, may áo gần sát người, tay áo dài và rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc và thường có 4 túi hoặc 2 túi. Trong khi đó, trang phục của phụ nữ Nùng phong phú và đa đạng hơn. Phụ nữ Nùng mặc áo năm thân màu chàm, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực, thông thường là vải đen đắp lên áo chàm. Váy của người Nùng phân rõ thành cạp váy, thân váy và gấu váy. Dây lưng cũng là một bộ phận quan trọng để hoàn thiện bộ trang phục người Nùng.

Phụ nữ Nùng thường dùng hai loại khăn đội đầu, khăn thường gọi là “bẩu quạ” và khăn chỉ đội khi cưới xin, hội hè thì gọi là “bẩu chịp”. Ngoài ra, trang phục của phụ nữ Nùng còn phải kể tới tạp dề, giầy vải và một số đồ trang sức (vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, dây chuyền, vòng tai)… rất hài hòa với trang phục tạo nên vẻ đẹp nền nã, giản dị mà tinh tế.
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm