Người Mông gọi những người cùng họ là “Chư xênh”, nghĩa là cùng gốc, cùng ông tổ và là anh em. Cùng một ông tổ sinh ra là cùng một cây người. Cây để chỉ một cộng đồng, sau cây chia thành cành, nhánh. Sau này dần dần hai, ba họ cùng cư trú thành một cụm dòng họ.
Đám cưới người Mông ở Tây Bắc. Ảnh:TTXVN |
Các dòng họ thường đoàn kết chặt chẽ với nhau xây dựng đời sống. Đất, vườn do gia đình khai phá và có quyền sở hữu, nhưng núi, đồi, khe suối thuộc quyền quản lý của dòng họ. Dòng họ nào đến khai phá sớm hơn thì có nhiều quyền hơn. Người họ đến khai phá sau phải xin ý kiến họ đến trước. Quan hệ dòng họ của người Mông là quan hệ ngoại hôn. Người cùng họ dù xa bao nhiêu đời cũng không được lấy nhau, nếu lấy sẽ bị coi là loạn luân. Con cô, con cậu (khác họ, dù huyết thống gần nhau) vẫn có quyền lấy nhau.
Ông Hoàng Công Súa, trưởng họ Hoàng người Mông ở xóm Đông Sằng, xã Quang Trung, huyện Hòa An (Cao Bằng) cho biết: Sự đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng của người Mông được biểu hiện trong nhiều công việc khác của gia đình và dòng họ, như: Khi cần có chuyển nhượng đất đai thì người Mông trước tiên sẽ nhượng bán cho những người của dòng họ, vì họ quan niệm bán cho người ngoài thì mất, bán cho anh em thì vẫn là của mình. Do cùng cây, cùng cành cả trong lúc chết gọi là cùng họ, cùng ma. Việc tang ma ở mỗi dòng họ người Mông có đôi chỗ khác nhau trong nghi thức tổ chức, song đều có điểm chung là việc chung của cả dòng họ. Có nhiều nghi lễ người Mông quy định chỉ những người trong dòng họ mới được tham gia, như: Lễ thay áo cho thần trống; lễ cúng thần lửa… Ngoài ra, người Mông phân biệt sự khác nhau giữa các dòng họ (Vương, Vừ, Lý, Sùng, Hoàng…) qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ma chay, cúng ma… là ở số lượng bát cúng, cách bày bát, địa điểm cúng, bài cúng, cách thức ăn uống và chia thịt.
Người Mông dù ở đâu xa xôi, khi gặp nhau thường hỏi thăm nhau xem họ gì; nếu cùng họ, cùng nghi thức cúng ma thì là cùng tổ tiên, cụ kỵ và là người nhà của nhau, là anh em của nhau nên luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Người cùng họ giúp đỡ nhau các công việc như gieo trồng, cày cấy, gặt hái, làm nhà, ma chay, cưới xin... rất nhiệt tình, chu đáo, luôn coi như công việc của mình. Người Mông còn có quy định người cùng dòng họ có thể chết hoặc sinh đẻ ở nhà nhau song nếu là người khác họ thì tuyệt đối không được phép. Người có lỗi thì được cả họ nhắc nhở phê bình. Nếu vẫn tiếp tục tái phạm thì người đó sẽ bị cả họ không thừa nhận là thành viên của dòng họ nữa. Qua đó, có thể thấy được tính giáo dục rất đậm nét trong quan hệ dòng họ của người Mông.
Việc duy trì sự đoàn kết, vững mạnh trong dòng họ người Mông phải kể đến vai trò của người tộc trưởng, tức trưởng họ. Là người am hiểu các quy định, bài cúng và biết làm thầy cúng, thông thạo nhiều phong tục tập quán, tộc trưởng chịu trách nhiệm giải quyết nhiều việc liên quan của dòng họ, là người được mọi người kính trọng. Mọi việc từ nhỏ đến lớn của các gia đình, các thành viên đều phải báo cáo với tộc trưởng. Nhiều việc hệ trọng như làm nhà, tổ chức lễ ăn thề, cúng ma, cưới xin phải có tộc trưởng trực tiếp mới tiến hành được. Trưởng họ là trung tâm đoàn kết, là cầu nối giữa các thành viên trong dòng họ với nhau và với dòng họ khác trong cộng đồng người Mông. Bên cạnh trưởng họ, ý kiến của người già cũng có sức nặng. Người già và trưởng họ tạo thành một trụ cột vững chắc liên kết các thành viên trong dòng họ.
Cũng như các dân tộc khác, cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tiên, dòng họ. Dòng họ là thiết chế căn bản của xã hội người Mông trong truyền thống cũng như hiện nay và luật tục tộc họ là công cụ quan trọng nhất để dòng họ người Mông quản lý, điều hành các mối quan hệ trong đời sống cũng như trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Đây là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử cộng đồng rất cần được khích lệ, gìn giữ và phát huy. Trong việc xây dựng làng văn hóa nói chung, gia đình văn hóa nói riêng hiện nay, cần chú trọng tới vai trò của dòng họ.
Theo baocaobang.vn