Nét đẹp nhà sàn của người Lô Lô ở Cao Bằng

Nét đẹp nhà sàn của người Lô Lô ở Cao Bằng
Những nếp nhà sàn tại xóm Khau Cà, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Những nếp nhà sàn tại xóm Khau Cà, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Nhà sàn truyền thống người Lô Lô bao giờ cũng dựa lưng vào thế đất núi cao, khác với nhà sàn người Tày, Nùng thường dựa vào chân núi, sườn đồi. Đó là vị trí quan sát dễ và rộng, đồng thời không khí cũng trong lành, mát mẻ. Nhà sàn người Lô Lô được chia thành 3 mặt bằng. Dưới cùng tiếp đất là gầm sàn, nơi để công cụ sản xuất, trước kia còn để nhốt trâu, bò. Sàn thứ hai - sàn chính là nơi các thành viên trong gia đình sinh hoạt, nghỉ ngơi. Sàn trên cùng (là gác lửng) để tích trữ lương thực, đồ dùng gia đình. Cùng với gỗ là nguyên liệu chính dựng nhà, đồng bào dùng cả tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách... Nhà sàn thường cao từ 7 - 8 m, chiều sâu từ 5 - 9 hàng cột. Nhà lợp ngói âm dương 4 mái, trong đó 2 mái chính nhô cao, 2 mái phụ lệch và thấp, theo đó kết cấu của nhà 4 mái phức tạp hơn nhà 2 mái. Người Lô Lô cũng rất coi trọng cửa sổ của ngôi nhà, coi đó là “mắt của nhà”, vì thế cửa sổ luôn mở thông thoáng, không sử dụng rèm che.

Bố cục trong ngôi nhà sàn người Lô Lô thường được chia ra làm hai phần theo chiều ngang hay chiều dọc ngôi nhà (tính từ cửa chính), nửa trên (phía gần bàn thờ) gần cửa chính là nơi diễn ra mọi sinh hoạt. Gian cuối cùng để đựng đồ dùng gia đình: Chạn bát, thúng mẹt, chum nước ăn... Người dân thường dẫn bắc một hệ thống máng nước đơn giản bằng cây vầu để đưa nước từ khe suối, đồi về tận sàn nhà. Ðồng bào còn làm một thùng chứa nước bằng thân cây gỗ to, đục rỗng có thể chứa được từ một đến hai gánh nước. Trong nhà, các gian thường không ngăn ra một cách chắc chắn, mà chỉ là tượng trưng. Tuy nhiên, đối với buồng con dâu, con gái lớn trong nhà, mặc dù không có cửa nhưng tập tục quy định rất nghiêm người nào được vào, người nào không được vào, hoặc là lúc nào không được vào.
 
Nhà sàn của người Lô Lô
Nhà sàn của người Lô Lô

Trong ngôi nhà sàn của người Lô Lô, bếp lửa có vai trò quan trọng. Khách đến nhà chơi được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Các bữa ăn quây quần gia đình cũng diễn ra bên bếp lửa. Bà con thường không để bếp tắt, lúc không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro để bếp luôn có hơi ấm. Bếp chính thường đặt ở giữa ngôi nhà, để tiếp khách hoặc lúc gia đình quây quần bàn công chuyện. Còn bếp phía dưới nhà dùng vào việc nấu nướng, sinh hoạt hằng ngày. Từ ăn uống, ngủ nghỉ, người dân nơi đây ít dùng đến giường hay bàn ghế mà chỉ trải chiếu và mọi người ngồi quây quần bên nhau. Chính điều này đã tạo nên không gian sinh hoạt ấm cúng, sum vầy.

Ngôi nhà sàn người Lô Lô là một kiểu nhà tổng hợp, được sử dụng hợp lý và tối đa để phục vụ đời sống con người. Những nếp nhà sàn còn mang chiều sâu văn hóa với những lễ nghi, phép tắc, phong tục, tập quán đều diễn ra trong không gian nhà sàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: Khan hiếm gỗ, làm nhà xây, nhà trệt… có giá rẻ hơn so với nhà sàn; thế hệ trẻ không còn mặn mà với kiến trúc nhà sàn truyền thống vì cho rằng không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại hiện nay… nên nhà sàn người Lô Lô cũng như nhà sàn truyền thống của một số dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một.

Bếp lửa trong ngôi nhà của người Lô Lô.
Bếp lửa trong ngôi nhà của người Lô Lô.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng có lẽ không chỉ dừng ở việc tuyên truyền cho nhân dân giá trị và gìn giữ nhà sàn truyền thống mà cần có kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy kịp thời những nếp nhà sàn truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm