Giữa các làng (Plơi) luôn có sự xung đột, nghi kỵ. Mọi người chỉ còn trông chờ vào tài hoà giải, tài kết nghĩa của các già làng giữa các Plơi, nếu được, mới có cơ hội qua lại giao du, quen biết và tìm nơi chốn cho tiếng gọi của con tim đang tuổi yêu đương! Chính vì khó tìm bạn tình như vậy nên các mối quan hệ hôn nhân thường gắn kết quanh một thành viên của gia đình đã gặp nơi chốn. Chẳng hạn, người con trai có thể lấy chị hoặc em của chị dâu hoặc em dâu, chị hoặc em vợ (chị dâu - em dâu) của anh em mình. Người con gái có thể lấy được anh hoặc em của anh hay em rể mình, ... Những người con của thế hệ đã có quan hệ với nhau dù xa hay gần, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều được coi là anh em và không được lấy nhau. Điều khôn ngoan nhất đối với người Cadoong là đừng bao giờ vi phạm các luật cấm kỵ của làng. Và với họ, tội loạn luân (điik miêt) là tội nặng nhất trong cộng đồng.
Một ngôi làng của người Cadoong ở Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn |
Giữa cái ngặt nghèo của môi trường nhân văn như vậy, may thay, trai gái Cadoong lại được tập quán cho phép tự do yêu đương. Trong trí nhớ của già làng, không thấy có chút gợn nào về những vụ bố mẹ cưỡng hôn, gả bán xếp đặt cho hôn nhân con cái. Cũng vì vậy mà tình yêu với trai gái Cadoong, nếu đã “tìm ra”, được quý không khác gì vàng và họ trọn đời gìn giữ sau khi đã tổ chức cưới xin. Đó là sự bền vững của lòng chung thuỷ quý báu xưa nay.
Con đường đi đến hôn nhân của người Cadoong chẳng khác nào con đường đi đến ngày hội trọng đại và kỳ diệu nhất cuộc đời. Có điều lý thú là, trong mọi mối quan hệ tìm hiểu lứa đôi, chỉ người con gái mới được phép ngỏ tình trước và bộc lộ lòng mình với chàng trai, cho dù trên bước đường đi đến cuộc tình, chàng trai thầm yêu trộm nhớ trước cả bạn gái của mình. Sẽ không thấy lạ, khi trong gia đình Cadoong, người con gái vào tuổi dậy thì, chỉ chừng mười tám, đôi mươi là đã bắt đầu lo việc tìm hiểu và kiếm cho mình một người chồng tương lai. Những bó củi hứa hôn xuất hiện ở góc vườn cũng đồng nghĩa với việc cô gái của gia đình đã tìm ra được nơi chốn để thầm yêu trộm nhớ.
Nghệ nhân Hồ Văn Dinh, người được mệnh danh là pho từ điển văn hóa Cadoong và đương kim già làng của thôn 3, xã Trà Bui, kể: khi đống củi hứa hôn đã chất cao góc vườn, người con gái Cadoong thường lựa chọn ngày tốt (hỏi từ bố mẹ, già làng) và nhờ bạn bè chuyển những bó củi hứa hôn sang nhà người con trai mà mình yêu, thay cho lời hứa hôn. Và chàng trai, sau khi đồng ý nhận những bó “củi tình”đó, mới được phép báo cho bố mẹ mình tìm người mai mối (bla) mang lễ sang nhà gái dạm hỏi.
Nếu như lễ dạm hỏi (laich ham) thường giản dị bằng một mâm lễ chỉ có trầu cau và một con gà cúng trình ở nhà gái, thì lễ ăn hỏi (la xúi) được chuẩn bị chu đáo hơn. Đoàn đi ăn hỏi bắt buộc phải có ông mối, bố mẹ (nếu còn sống), anh em, chú bác ruột thịt và chàng rể mang theo rượu, trầu cau, thịt khô, cá và chè khô sang nhà gái. Đến nơi, mọi người đứng ngoài sân chờ nhà gái thu xếp ra mời mới được vào. Thăm hỏi và trình lễ tổ tiên (pló xoi) nhà gái xong, hai bên tổ chức cho đôi trai gái trao trầu cau, thề nguyện trước tổ tiên và hai gia đình không bỏ nhau, sống đến trọn đời ...
Ngày cưới của đôi trai gái Cadoong thực sự là ngày hội của cả Plơi. Vào tuần trăng lên của tháng sau mùa rẫy, lễ đón dâu (la giok kri) được cử hành trang trọng nhưng giản dị và theo nếp truyền thống ông cha truyền lại. Đoàn đi đón dâu thường rầm rộ, ăn mặc đẹp, đeo đầy trang sức, bao gồm bố mẹ, họ hàng, bạn bè và chàng rể “hành quân” sang nhà gái. Nếu trên đường đi gặp điềm xấu (cây đổ, rắn chạy ngang đường,...) thì phải quay lại tìm ngày khác, hoặc phải làm lễ hoá giải. Lễ vật mang theo phải có hai con heo (1 con đực, 1 con cái), 2 con gà (1 trống, 1 mái), ít nhất 1 bó trầu, 1 buồng cau, 2 đốc rượu và 100 cái bánh. Sau khi dâng lễ vật trình tổ tiên nhà gái, nhà trai ở lại vui cuộc rượu thâu đêm. Chú rể và cô dâu lại một lần nữa làm lễ ăn thề trước quan viên hai họ, trao nhau trầu cau và đồ trang sức với ý công nhận nhau là vợ chồng. Sáng hôm sau, nhà trai đón dâu về và lại tổ chức lễ như hôm trước. Sau ngày cưới, mọi người mang bó củi hứa hôn của cô gái tặng ra đốt giữa nhà và cùng nhau uống rượu, nhảy múa, không ai được đi làm hoặc ra khỏi Plơi từ 1 đến 2 ngày.
Đối với người con trai đi ở rể, 10 ngày sau khi cưới sẽ được nhà gái tổ chức lễ đón rể về nhà. Nếu người con dâu ở nhà chồng thì 1 tháng sau khi cưới, hai vợ chồng về thăm bố mẹ vợ, mang theo quà tặng và đồ lễ. Vài ngày sau, anh em họ hàng nhà trai đến đón về. Khi về tới nhà, bố mẹ chồng làm lễ cúng ở Plo xói, có ý báo cáo tổ tiên là dâu đã về.
Cưới vợ được một thời gian (tuỳ theo hoàn cảnh gia đình), bố mẹ tổ chức cho đôi vợ chồng son làm lễ thành niên để tách hộ ra ở riêng. Với những gia đình khá giả, bố mẹ còn đầu tư làm nhà và sắm sửa các đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ làm ăn giúp con cái.
Cho đến nay, tiệc cưới của trai gái Cadoong ở Trà Bui dường như vẫn giữ được mỹ tục truyền thống mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, có một số hình thức và cách thức tổ chức đã được học về từ các đám cưới của người Kinh (Việt). Các phương tiện kỹ thuật hiện đại như loa, đài... đã được sử dụng làm cho ngày cưới vừa sinh động náo nhiệt, vừa gần với đời sống hiện đại. Song hành cùng nhịp với sự biến đổi tích cực của cuộc sống mới, nhiều nét đẹp trong truyền thống hôn nhân - trong đó có tập quán cưới xin của người Cadoong đã và đang đóng góp vào quá trình xây dựng nếp sống văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo dch.gov.vn