Phụ nữ và trẻ em người Mông ở xã Quang Trung (Hòa An) Ảnh: baocaobang.vn |
Theo bà Hoàng Thị Dí, 64 tuổi, dân tộc Mông, xóm Cô Ba, xã Minh Thanh (Nguyên Bình), sau khi làm lễ tạ ơn bà mụ xong sẽ làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Chủ buổi lễ có thể là người trong dòng họ hay chính là ông nội của đứa trẻ được đặt tên. Chủ lễ lấy gà sống và quả trứng sống đặt trên bát gạo rồi đốt 2 nén hương đặt lên trên để trước cửa chính để cúng. Trong bài cúng, ông trình báo cho ma cột chính và các ma nhà (ông bà, tổ tiên) gia đình đã có một đứa trẻ mới ra đời, cầu các ma cho nó được mạnh khỏe, lớn khôn. Trong nghi lễ đặt tên, nghi thức quan trọng nhất là việc chọn và đặt tên chính thức cho trẻ. Tên của đứa trẻ được tất cả mọi người bàn bạc, thảo luận và chủ lễ là người quyết định. Cách đặt tên của người Mông có nét khá riêng biệt so với các dân tộc khác, ví dụ như tên sơ sinh của cha đứa trẻ trước đây đặt là Tu thì khi có con tên đệm sẽ đặt là Hoàng Tu tùy theo ý thích nhưng không được trùng tên với ai trong dòng họ là được. Điều đặc biệt nhất trong lễ đặt tên của người Mông chính là không chỉ sẽ tiến hành lễ đặt tên cho con mới sinh ra mà kết hợp đặt tên già cho đôi vợ chồng trẻ (bố mẹ đứa trẻ). Việc đặt tên do bố, ông trong gia đình hoặc họ hàng, gia đình tự tổ chức chứ không mời thầy cúng, thầy mo. Khi đặt tên cũng dựa vào đôi âm dương của người đặt mà gọi. Sau khi đặt tên, đôi vợ chồng trẻ có một tên chung gọi là tên già. Theo quan niệm của người Mông nếu ai không có tên già nghĩa là đôi vợ chồng đó chưa có con.
Trong khi chủ lễ thực hiện các nghi thức đặt tên thì mọi người mổ gà, chuẩn bị rượu, thịt, bàn ghế, quét dọn nhà cửa, nấu nướng để sau khi nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc anh em họ hàng và mọi người đến tặng cho trẻ những món quà thiết thực như: đôi gà, bao gạo ngon, ít tiền… mừng đứa trẻ được đặt tên và lớn lên khỏe mạnh rồi vui vẻ quây quần ăn uống.
Hiện nay, lễ đặt tên cho đứa trẻ của người Mông vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên tùy theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình mà có quy mô tổ chức to, nhỏ khác nhau. Còn tục tên già hiện nay tại một số nơi người Mông đã không còn duy trì. Bên cạnh đó, có một số đôi vợ chồng người Mông sống cùng với người Tày, Nùng nên thay vì đặt tên già thì họ dùng tên con cả của mình đặt tên già cho mình luôn, ví dụ: Bố tên Tài có con sinh tên Dương sẽ có tên già là Dương Tài.
Lễ tạ ơn bà mụ và đặt tên cho con trẻ là một nghi lễ có ý nghĩa đặc biệt trong vòng đời của người dân tộc Mông ở Cao Bằng gắn với một dấu mốc quan trọng thời kỳ ấu thơ của đứa trẻ. Đồng thời, thể hiện nhiều giá trị nhân văn và là nét văn hóa truyền thống độc đáo, thể hiện vai trò cố kết cộng đồng sâu sắc.
Theo baocaobang.vn