Cúng Yàng trong lễ lên nhà mới. |
Đối với người Mạ, nhà sàn dài không chỉ là nơi cư trú của các thành viên trong dòng tộc, mà còn là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh của cộng đồng người Mạ. Họ coi việc chuyển về nhà mới ở là sự kiện rất hệ trọng, đối với tất cả các thành viên trong đại gia đình. Vậy nên, mỗi khi làm xong nhà sàn dài, người Mạ có tập tục cúng thần nhà trước khi lên ở nhà mới.
Lễ lên nhà mới của người Mạ tuy thời gian chuẩn bị chỉ trong vài ngày, nhưng tất cả được chuẩn bị rất chu đáo, mọi công việc đều được gia trưởng (pô-hiu), người đứng đầu gia đình lớn, phân công cụ thể đến từng thành viên trong gia đình.
Lễ vật bắt buộc trong lễ lên nhà mới là: 1 con gà trống, 1 chóe rượu cần, 1 trái bầu khô đựng tiết con vật hiến tế, 1 cục than hồng, 1 trái bầu khô đựng nước và một số hạt giống mang tính tượng trưng.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, các nghi thức của Lễ lên nhà mới được tiến hành, với sự tụ họp đông đủ của các thành viên trong đại gia đình và bà con trong buôn làng. Những người đến mừng, thường mang theo những chóe rượu cần ngon nhất mà họ có, cùng với hàng chục chóe rượu cần của các tiểu gia đình cùng sống trên nhà dài đã được chuẩn bị trước đó nhiều ngày. Tất cả các chóe rượu được xếp thành hàng dài từ đầu nhà đến cuối nhà. Riêng chóe rượu cúng Yàng luôn được đặt ở gian giữa gần cây nêu để hiến tế cho các vị thần. Chủ lễ thường phải là gia trưởng, người có uy tín nhất trong dòng tộc.
Theo tục lệ của người Mạ, trước khi tiến hành nghi lễ, gia trưởng sẽ là người đầu tiên bước vào nhà mới, ông mang theo cục than hồng từ nhà cũ sang cùng bầu nước và một số hạt giống. Rồi lần lượt, từng người trong gia đình mang đồ đạc bước lên nhà mới.
Lễ lên nhà mới bắt đầu, với nghi thức cúng mời Yàng về chứng kiến ngày lễ lên nhà mới của gia đình và cầu xin sự che chở các thần linh. Sau khi lễ vật đã bày ra, gia trưởng (Pô-hiu) cùng người cậu (Kồnh) thuộc thế hệ cao nhất của dòng tộc sẽ đưa con gà (con vật hiến tế) lên phía trước bàn thờ kèm với lời khấn: “Ơ... Yàng-hiu (thần nhà) linh thiêng! Cầu xin thần cho gia đình được dọn về nhà mới. Ơ Yàng-yang (thần chóe), Yàng-cinr (thần chiêng), Yàng-uôs (thần lửa), Yàng-đạ (thần nước) và các Yàng linh thiêng khác hãy về hưởng lễ vật mà gia đình dâng cúng. Xin các Yàng hãy chấp nhận lời khấn của gia đình mà phù hộ cho nơi ở mới được bình an, làm rẫy được nhiều lúa, mọi người trong dòng tộc ai cũng có sức khỏe dài lâu, con trai mới lấy vợ, con gái mới lấy chồng sẽ có con đàn, cháu đống…Ơ... Yàng”.
Ngay sau khi lời khấn vừa dứt, nghi thức cúng thần lửa (Yàng-uôs) được thực hiện để cầu xin thần cho phép được nhóm lửa cho các bếp. Khi ngọn lửa thiêng trong bếp chính đã được gia trưởng nhóm lên, ngọn lửa sẽ được lần lượt chia về với từng bếp phụ của các gia đình nhỏ cùng sinh sống trong ngôi nhà sàn dài. Và các gia đình phải giữ cho được lửa trong bếp liên tục cháy suốt ngày đêm hôm đó. Bởi người Mạ quan niệm, bếp lửa không chỉ là nơi nấu nướng và tiếp khách, mà nó còn là nơi cư ngụ của thần lửa, một vị thần luôn mang lại sự may mắn.
Nghi lễ cuối cùng, chủ lễ lấy máu của con vật hiến tế bôi lên cây nêu, chóe rượu cần, bàn thờ, bếp lửa, dàn chiêng và dãy chóe,… tại không gian thiêng của nhà sàn. Sau đó, lần lượt bôi lên các đồ dùng thường nhật của gia đình, rồi đến cầu thang của cửa ra vào và xung quanh ngôi nhà. Tất cả những người tham dự cũng đều được bôi máu của con vật hiến tế lên trán để được may mắn. Nghi thức bôi máu con vật hiến tế được xem như là một thông điệp cầu an gửi đến các thế lực siêu nhiên.
Khi phần lễ kết thúc, cũng là lúc tiếng chiêng, tiếng khèn bầu vang lên rộn rã theo từng lời hát, điệu múa,… Bên những chóe rượu cần và ánh lửa bập bùng, mọi người cùng chúc tụng mừng gia chủ có cuộc sống sống an lành trong ngôi nhà mới. Không khí càng về khuya càng thêm rộn rã, cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến sáng hôm sau.
Thanh Bình (Theo baolamdong.com)