Một nghi thức trong Lễ cúng cầu mưa của người J'rai. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Với nền văn hóa bản địa lâu đời, người Tây Nguyên có rất nhiều lễ tế mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ cúng cầu mưa là tín ngưỡng nông nghiệp điển hình, gắn bó mật thiết với đời sống sản xuất của bà con. Lễ cúng cầu mưa được bà con tổ chức đúng vào ngày 30/4 hàng năm – khoảng tháng Ba âm lịch. Đây cũng là giai đoạn cao điểm của mùa khô, thường xảy ra hạn hán gay gắt, khốc liệt. Vì lẽ đó, bà con J’rai ở Phú Thiện lại rộn ràng chung tay chuẩn bị lễ vật để cúng cầu mưa.
Thời điểm diễn ra Lễ cúng cầu mưa cũng là lúc lúa đã được bà con thu hoạch chất đầy trong kho, rượu ghè được các phụ nữ vào rừng hái lá về làm men ủ đã thơm lừng. Đây cũng là thời gian rảnh rỗi nhất trong năm. Trước khi diễn ra Lễ lớn, bà con J’rai trong vùng nhất thiết phải hoàn thành 3 Lễ nhỏ, gồm cúng xua đuổi tà ma, dịch gia súc, gia cầm quanh làng; cúng bến nước tại sông Ayun và cúng làng.
Ngày tổ chức Lễ lớn, ngay từ sáng sớm, được sự phân công của già làng, trai trẻ trong làng rộn ràng chặt tre, vót nứa trang trí nơi cúng tế thần linh và các Pơtao Apui (Vua Lửa) bất tử. Những ghè rượu ngon nhất, thơm nhất cũng được dân làng cõng đến để dâng lên thần linh. Bước vào phần Lễ, phụ tá thứ nhất đời Vua Lửa thứ 14 Rơ Lan Hieo và các cộng sự của mình dâng lễ vật rượu, thịt và gạo, thành kính khấn Yàng, cầu những điều tốt đẹp nhất, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu đến với dân làng.
“Lễ cúng cầu mưa có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống tinh thần của bà con, bởi các thần linh sẽ che chở, ban cho sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc” – ông Rơ Lan Hieo chia sẻ.
Tương truyền, các Pơtao Apui (Vua Lửa) cùng với quyền năng của “Thanh gươm thần”- là báu vật mà mình nắm giữ có sức mạnh phi thường, có thể liên hệ với thần linh để hô mưa gọi gió, điều khiển thời tiết cho mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Các Vua Lửa còn liên kết với tộc trưởng các vùng và cùng nhân dân chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ bình yên cho buôn làng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục khấn thần linh, già trẻ, gái trai trong làng cùng hòa mình say men rượu cần chuếnh choáng, nối vòng xoang nhịp nhàng trong không gian cồng chiêng rộn rã, đầy quyến rũ đến vô tận. Sau Lễ cúng, bà con bước vào vụ mùa mới vui vẻ, lạc quan và tràn đầy hy vọng về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Ông Rơmah Thuyn, Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ cho biết, xác định tầm quan trọng của Lễ cúng cầu mưa đối với ba làng sở tại nói riêng và dân tộc tại Tây Nguyên nói chung trong việc cầu được mưa thuận gió hòa, để bà con nhân dân canh tác nông nghiệp được thuận lợi, mùa màng bội thu, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến tận các thôn, làng, để bà con nhân dân hiểu được giá trị và ý nghĩa của hoạt động này.
“Tuyên truyền cho bà con hiểu được tầm quan trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, giữ gìn các bản sắc đó để mai này, các thế hệ con, cháu biết được rằng ở thôn, làng mình có các đời vua, các đời Ơi, ban cho dân làng những cơn mưa, cho dân làng được may mắn, cho cuộc sống yên bình. Tất cả bà con nơi đây đều là con cháu của Vua Lửa và mọi người phải coi trọng nơi đây, xem nơi đây như nơi thiêng liêng nhất”, ông Rơmah Thuyn cho biết thêm.
Ông Võ Thanh Lâm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Thiện chia sẻ, sau khi có quyết định của Trung ương về việc công nhận Plei Ơi là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993, huyện Phú Thiện (kể từ khi thành lập năm 2007 đến nay) đã có sự quan tâm, đề nghị tỉnh đầu tư các công trình, hạng mục nhà dài để lưu trữ hay nhà cất gương của Vua Lửa. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã ban hành đến các cấp tổ chức và duy trì lễ cầu mưa, năm 2019 tổ chức từ cấp xã.
“Sắp tới đây sẽ có một công trình trị giá trên 3 tỷ đồng do Trung ương đầu tư tại khu vực làng Plei Ơi để tiếp tục duy trì truyền thống lễ cầu mưa của Vua Lửa hàng năm, với ý nghĩa lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người đồng bào, đặc biệt là đồng bào ở khu vực Tây Nguyên. Đây là một lễ hội truyền thống của chúng ta đang bảo tồn, giữ gìn, phát huy và năm 2020, dự kiến của huyện sẽ tổ chức thành Lễ hội cấp huyện”, ông Võ Thanh Lâm nhấn mạnh.
Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức công nhận “Lễ cúng cầu mưa" của người J'rai là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Theo đó, nghi lễ này được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm bảo tồn gắn với phát triển du lịch, nhằm lưu giữ nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào J'rai nơi đây. Song hành với Lễ cúng cầu mưa, huyện Phú Thiện còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Hội thi văn hóa thể thao, trưng bày giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp, ẩm thực, văn hóa của địa phương để du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm.
Nguyễn Hoài Nam
TTXVN