Lễ cơm mới của người Mày

 Lễ cơm mới của người Mày
Khi những hạt lúa nương, hạt lạc, củ sắn, củ khoai được thu hoạch rồi gùi về nhà, phơi khô, cất vào bồ sau chuỗi ngày vất vả phát, đốt, cốt, trỉa, người Mày có dịp nghỉ ngơi. Ấy cũng là lúc họ tổ chức lễ cúng cơm mới một phong tục lâu đời của tổ tiên.

Ngày tổ chức lễ cúng do già làng người Mày quyết định, không ràng buộc bởi một ngày ấn định từ trước, nhưng nhất thiết phải diễn ra trong hai ngày vào trung tuần tháng Chạp. Theo suy diễn của người Mày, việc cúng tế trời đất, tổ tiên không thể làm qua loa, đại khái mà phải thật cặn kẽ, to tát thì thần linh, ông bà mới bảo hộ.

Sáng sớm tinh mơ ngày cúng đầu tiên, từng chủ hộ đánh thức mỗi thành viên trong gia đình dậy, chuẩn bị lễ vật tinh tươm. Đến giờ cúng, chủ hộ, con trai được phép ngồi ngoài gian đã lập bàn thờ. Chủ hộ phải là đàn ông, hoặc con trai, con rể đứng ra làm chủ lễ. Vợ, con gái, con dâu đứng tách biệt ở gian trong ngôi nhà sàn, không được bước tới gian để bàn thờ.

Lễ vật cúng trong gia đình kết tinh từ hương hoa núi rừng gồm một đĩa trầu cau, một vò rượu cần, một con gà, một bát gạo tẻ, một cục xôi, một bộ cung tên, hai đọt lá nón, hai chai rượu trắng. Ngoài ra, phải có một hòn đá suối và cặp ống trống mái. Cặp ống này làm bằng nứa, ống trống dài khoảng một mét, mái dài bằng nửa ống trống, trong đó chứa một nắm gạo nếp.
 
Ông Hồ Chắt, người Mày, bản Ka Ai (Dân Hóa, Minh Hóa) đọc lời khấn.
Ông Hồ Chắt, người Mày, bản Ka Ai (Dân Hóa, Minh Hóa) đọc lời khấn.

Người ta dùng nứa chẻ cái que bản rộng bằng ngón tay trỏ dài chừng hai mươi cen-ti-mét, một đầu vót nhọn rồi dùng dây mây buộc chặt vào phần gốc của hai ống trống mái. Đầu vót nhọn được buộc trồi ra để người khấn cà vào hòn đá suối, phát ra âm thanh trầm bổng. Từng người trong nhà đội lên đầu cái vòng cỏ kết bởi lá cây rừng còn phảng phất hương thơm tự nhiên.

Chủ hộ ngồi trước bàn thờ, cầm hai ống trống mái cà lên hòn đá suối thành khẩn đọc lời khấn. Lời cầu khấn của người Mày đặc biệt ở chỗ được truyền nối từ đời này qua đời khác bằng tiếng dân tộc, không cho phép ai trong gia đình rò rỉ sang tai người ngoài. Khi các chủ hộ dứt lời khấn, giờ phút đó mới đúng là thời điểm khai hội của người Mày. Bà con san sẻ cho nhau đồ ăn, thức uống; tiếng nói cười rộn rã khắp bản làng. Đàn ông quây quần bên vò rượu cần; phụ nữ xúng xính xiêm y mời nhau từng nắm nếp xôi; trẻ con nô đùa, chia nhau đủ loại trái cây rừng. Tất cả hội tụ lại tạo thành một cảnh tượng no đủ, yên ấm.

Trọng điểm lễ mừng cơm mới của người Mày nằm ở ngày cúng thứ hai. Vì quy mô lên tới hàng trăm người nên có đợt lãnh đạo xã cùng già làng, trưởng bản chọn một ngã ba đường với bãi đất trống rộng rãi để tiến hành nghi lễ.

Thành phần mời tới dự có đại diện lãnh đạo xã, bộ đội biên phòng, hải quan, thầy cô giáo, các già làng, trưởng bản cùng bà con người Mày và các tộc người khác đến chung vui. Lễ vật trong ngày cúng thứ hai không tự người Mày chuẩn bị đơn lẻ mà do các tộc người anh em trong vùng gộp lại, gồm bánh đòn ép (một dạng bánh chưng); lợn mán béo đẫy, gà đồi, ốc suối, cá mát khe, rượu trắng, rượu cần; bánh kẹo...

Chủ sự lễ cúng do một già làng uy tín người Mày đảm nhận. Già làng khấn theo nghi lễ như đã khấn trong từng gia đình. Lời khấn mà người Mày sử dụng trong mỗi dịp cúng cơm mới chứa đựng nhiều bí ẩn, nhưng tựu trung lại đó là những lời cầu khấn cho giang sơn xã tắc ngày một thịnh vượng; mong trời đất ban mưa thuận gió hòa, yên ổn canh tác; cầu xin sức khỏe để chống chọi lại với thú dữ, núi rừng cheo leo, thiên nhiên khắc nghiệt.

Sắc màu lễ hội của người Mày được biểu hiện rõ sắc khi lời khấn vừa dứt trên môi của già làng. Gái trai nối tay nhau thành vòng tròn hát vang hai làn điệu dân ca “Kà tơm-tà lênh” (con trâu đi cày) và “Kà răng-tà nên” (chiều về trên đỉnh núi) tạo nên không khí hăng say, vui nhộn. Các chàng trai, cô gái lúng liếng gửi gắm tâm tình cho nhau. Các loại nhạc cụ dân gian, đàn ống (tờ rơ bon), sáo (pi), tù và (cà vá), chiêng (fèng la) được đồng bào mang ra sử dụng hết tối đa công năng vốn có. Thời khắc đó đất trời và con người như được giao duyên, quyện lẫn vào nhau bởi sức sống nội sinh trong sinh hoạt văn hóa dân gian của người Mày.

Tác động xấu của thời tiết đã làm cho cây trồng vật nuôi, đời sống sinh hoạt của người Mày có phần thay đổi. Lễ cúng cơm mới không được duy trì hằng năm mà phải cách quãng. Tuy vậy, mỗi khi nó được diễn ra thì người Mày vẫn với tất cả lòng thành kính hướng về đất trời, tiên tổ và đồng loại. Điều đó cho thấy, nhiệt huyết xây đắp đời mới bằng bản sắc truyền thống vẫn chảy tràn trong huyết quản của người Mày và anh em các dân tộc thiểu số.
Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm