Lễ buộc chỉ tay của đồng bào Khùa thường tổ chức rộ nhất là trong khoảng thời gian từ mồng 4 Tết đến trước rằm tháng giêng. Vì đây là thời điểm ngô lúa trên nương đã thu hoạch xong, là thời gian nghĩ ngơi giữa một chu kỳ sản xuất trước khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới.
Bản Hà Noông (xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) cách trung tâm xã non chừng 7km, cả bản có hơn 30 nóc nhà nằm nép mình dưới tán keo và tràm hoa vàng xanh tốt. Ngôi nhà của ông Hồ Mao, Tộc trưởng nằm ngay giữa bản, tiếp chúng tôi tại chân cầu thang là một thành viên trong gia đình với lời chào thân mật.
Ông Hồ Buôn Chăn, Trưởng bản kiêm Bí thư chi bộ bản Hà Noông, người được chủ nhà mời đứng ra làm chủ buổi lễ cho chúng tôi biết: lễ buộc chỉ tay của đồng bào Khùa là tục lệ có từ lâu lắm rồi, cũng không biết có từ khi nào. Lễ buộc chỉ tay được tổ chức ở nhà tộc trưởng mỗi năm một lần được gọi là tiểu lễ, còn ba năm một lần gọi là đại lễ.
Bản Hà Noông (xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình) cách trung tâm xã non chừng 7km, cả bản có hơn 30 nóc nhà nằm nép mình dưới tán keo và tràm hoa vàng xanh tốt. Ngôi nhà của ông Hồ Mao, Tộc trưởng nằm ngay giữa bản, tiếp chúng tôi tại chân cầu thang là một thành viên trong gia đình với lời chào thân mật.
Ông Hồ Buôn Chăn, Trưởng bản kiêm Bí thư chi bộ bản Hà Noông, người được chủ nhà mời đứng ra làm chủ buổi lễ cho chúng tôi biết: lễ buộc chỉ tay của đồng bào Khùa là tục lệ có từ lâu lắm rồi, cũng không biết có từ khi nào. Lễ buộc chỉ tay được tổ chức ở nhà tộc trưởng mỗi năm một lần được gọi là tiểu lễ, còn ba năm một lần gọi là đại lễ.
Mục đích của lễ buộc chỉ tay là để kết nối linh hồn của những người đã khuất của dòng tộc với những người đang sống và sự đoàn kết, gắn bó giữa những người đang sống, hướng đến vong linh của những người đã khuất, cầu mong ông bà tổ tiên ban phước lành cho con cháu, cầu mong sự bình yên, sức khoẻ, mùa màng bội thu...
Mâm lễ cúng được chủ nhà chuẩn bị từ sáng sớm. Ở chính giữa mâm là một cây nến được làm bằng sáp ong cao độ 2 gang tay, bao quanh cây nến là những lá trầu được kết thành hình chóp nón, gần đỉnh chóp cắm các bông hoa mào gà màu đỏ, phía dưới đặt hai tấm vải màu trắng dùng để may váy cho đàn ông, hai tấm vải sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ và cuộn chỉ sợi thô tự dệt; trên mâm lễ còn đặt các sản vật khác như: bánh nếp hình chóp cuộn trong lá chuối, xôi nếp, thịt gà luộc, hoa quả, tiền đi lễ của các thành viên trong dòng họ. Phía dưới mâm lễ chính có một chiếc đĩa dùng để đặt các lễ vật cho thầy cúng, gồm một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc và một ché rượu cần.
Thành phần tham gia buổi lễ gồm có: thầy mo; tộc trưởng (là người cao niên, đứng đầu một dòng tộc); con cháu trong dòng họ; một khách mời ngoài dòng tộc-là người con rể (A nha rịt) được mọi người yêu mến, kính trọng tham gia với vai trò là người điều hành buổi lễ. Ngoài những người trong họ tộc, những người láng giềng hoặc khách ở xa thân thiết, tâm đầu ý hợp với chủ nhà đến chung vui và cũng được gia chủ buộc chỉ cổ tay kết nghĩa anh em. Tấm lòng mến khách của người Khùa đã xóa đi khoảng cách về địa lý và những khác biệt về dân tộc. Lễ cúng được tiến hành trong thời gian khoảng thời gian từ 30 đến 40 phút.
Trước khi làm lễ, nến được thắp sáng, tất cả thành viên của dòng họ đều đặt một tay chạm vào mâm lễ chính. Người Khùa tin rằng, ngoài linh hồn của ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng gọi là vía. Vía của mỗi người được kết nối với trời đất và với thế giới tâm linh. Chạm tay vào mâm lễ chính là thể hiện lòng thành kính của những người đang sống với những người đã khuất và với thế giới tâm linh.
Ông Hồ Buôn Chăn, trong vai trò thầy mo bắt đầu đọc bài cúng được chuẩn bị sẵn trên chừng 5 trang giấy của quyển vở học trò (được viết bằng thứ tiếng Bru cổ) với lời cầu khấn lúc trầm, lúc bổng; sau mỗi lần cầu khấn của thầy mo, mâm lễ chính được các thành viên dòng họ đưa tay nâng lên cao với lòng thành kính. Trong suốt buổi lễ, mâm lễ chính được nâng lên, hạ xuống ba lần và đến lần thứ ba cũng là lần kết thúc bài cúng. Tiếp đến, ông Hồ Buôn Chăn vân vê từng sợi chỉ và buộc vào cổ tay cho vị tộc trưởng và các thành viên tham dự buổi lễ đi kèm với lời cầu chúc sức khoẻ, gặp những điều tốt lành trong cuộc sống.
Để đáp lễ, thầy mo cũng được chủ nhà buộc chỉ vào tay cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp. Sợi chỉ chỉ là một vật tượng trưng nhưng ẩn chứa đằng sau nó là một sức mạnh thể hiện cho sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người về nguồn cội, cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi cùng hướng đến một tương lai tươi sáng. Hoà quyện trong men say bên hũ rượu cần là những nét mặt tươi vui, rạng rỡ, xen lẫn với tiếng khèn rộn rã và những lời cầu chúc một năm mới sung túc, mùa màng bội thu, anh em đoàn kết, con cháu sum vầy...
Báo ĐIện tử Quảng Bình