![]() |
Đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của xã Hà Tây tham gia Liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc do Tỉnh Đoàn tổ chức. Ảnh: P.L |
Nhờ có sự tập luyện, chuẩn bị chu đáo, các tiết mục cồng chiêng của làng Kon Măh bao giờ cũng tạo được sức hút riêng. Đó không chỉ là sự hòa tấu nhịp nhàng, ăn khớp của từng chiếc chiêng mà từng động tác, từng biểu cảm khuôn mặt của người tham gia biểu diễn cũng toát lên một niềm say mê và đầy kiêu hãnh.
Trong các nghệ nhân cồng chiêng của làng, anh Xô là người được dân làng tin tưởng giao cho trọng trách “huấn luyện viên trưởng”, chuyên tổ chức tập luyện, dẫn dắt các đội cồng chiêng tham gia các hội diễn. Gắn bó với cồng chiêng từ nhỏ, anh Xô quyết tâm phải làm điều gì đó để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Dưới sự giúp đỡ của các nghệ nhân lớn tuổi, anh Xô tập hợp các em nhỏ trong làng và cùng nhau tập luyện.
Vừa qua, đội cồng chiêng “nhí” của làng Kon Măh đã được Huyện Đoàn Chư Pah chọn làm đại diện tham gia Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh năm 2017 do Tỉnh Đoàn tổ chức vào tháng 11-2017. Tiết mục cồng chiêng được dàn dựng công phu với các hình thức phụ họa như: pram, xoang, nhảy cà kheo... đã đem về giải nhất cho cả đội. Đặc biệt, 16 em thiếu nhi của làng Kon Măh cũng vừa đại diện cho tỉnh nhà tham gia biểu diễn cồng chiêng ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Em Linh (8 tuổi) vẫn còn nguyên cảm xúc hân hoan khi bày tỏ: “Được cùng các anh chị trong làng ra Hà Nội biểu diễn, em thấy rất vui. Khi đoàn biểu diễn, chúng em được rất nhiều người xem, chụp hình và cổ vũ”.
Không chỉ vậy, anh Xô cũng “phá luật” khi thành lập thêm cho làng đội cồng chiêng nữ, giao cho chị Nhaih làm đội trưởng. Chị Nhaih tâm sự: “Từ trước đến nay, việc đánh cồng chiêng chỉ có đàn ông, con trai mới được làm, phụ nữ chỉ múa xoang. Bây giờ, mình được cùng chị em trong làng tập đánh chiêng, dù hơi khó nhưng ai cũng cảm thấy rất vui và cố gắng hết sức để học thành thạo”.
Ông Thưuh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây: “Những năm gần đây, làng Kon Măh không chỉ từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ tạo được phong trào học hỏi rộng khắp trong cộng đồng, làng Kon Măh còn thường xuyên đại diện cho địa phương tham gia các hội thi, hội diễn. Gần đây nhất, làng Kon Măh còn tham gia biểu diễn phục vụ du khách trong lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya và được nhiều người khen ngợi”. |
Ngoài cồng chiêng, trong làng Kon Măh từ già tới trẻ ai cũng có thể chơi được các nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, anh Im là Trưởng thôn nhưng đồng thời cũng là nghệ nhân làm đàn t’rưng. Việc làm đàn t’rưng cũng xuất phát từ niềm đam mê của chàng trai trẻ với nhạc cụ truyền thống. Anh Im cho hay: “Ngày trước, mình thậm chí còn không biết đánh đàn, sau đó mình may mắn được gặp thầy Y Brơm-người đã truyền cho mình niềm say mê với loại nhạc cụ này. Sau khi xuất ngũ, mình tự mày mò dựa trên sự quan sát và hiểu biết rồi làm đàn t’rưng”. Từ đôi tay tài hoa, anh Im đã làm ra nhiều chiếc đàn t’rưng lớn nhỏ để mọi người trong làng cùng tập luyện, phục vụ đắc lực cho các tiết mục biểu diễn.