Hòa Bình nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống

Những năm qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hòa Bình đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống địa phương, thông qua chương trình đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024, tỉnh Hòa Bình có thêm 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

nongsanDaBac.jpg
Cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn Tâm Cương, thị trấn Đà Bắc là một trong những địa chỉ để giới thiệu và tiêu thụ nông sản của huyện Đà Bắc. Ảnh: baohoabinh.com.vn

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc đã không ngừng thực hiện các chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP những năm qua. Giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện Đà Bắc có 11 sản phẩm được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm gồm: rượu ngô Cao Sơn, miến dong Đà Bắc; hạt Sachi Omega 3.6.9 rang sấy; du lịch cộng đồng Đá Bia, xóm Đức Phong, xã Tiền Phong; rượu thóc Trúc Sơn; chè Shan Tuyết Trung Thành; thịt lợn bản địa; gà đồi và cá trắm đen, cá ngạnh, cá lăng.

Năm 2024, huyện Đà Bắc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đối với các sản phầm thế mạnh và tiềm năng của địa phương, dự kiến sẽ công nhận mới thêm 3 sản phẩm là cá sấy mắc khén, cá kho tộ và du lịch cộng đồng bản Đá Bia.

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc cho biết, thông qua Chương trình OCOP bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương. Chương trình OCOP được lan tỏa góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn do các chủ thể ngần ngại trong lập hồ sơ tham gia chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ sản xuất tại các địa phương chủ yếu là những hộ không đăng ký sản xuất, kinh doanh nên không đủ điều kiện để tham gia chuẩn hóa sản phẩm OCOP.

Ông Vinh chia sẻ, giai đoạn 2021-2025, huyện Đà Bắc phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa, nhất là đặc sản vùng, miền. Đặc biệt, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm; khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

Mặc dù, Chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng OCOP tỉnh Hòa Bình vẫn gặp phải một số khó khăn như: Các sản phẩm OCOP sản lượng còn ít, sản lượng bán ra còn chưa nhiều. Mẫu mã, chất lượng sản phẩm còn ở mức trung bình; sản phẩm chưa thực sự đặc sắc, nhiều địa phương tỉnh, huyện khác cũng có những sản phẩm tương tự nên khả năng cạnh tranh thị trường của các sản phẩm còn chưa cao.

Một số chủ thể sau khi được công nhận OCOP chưa thực sự phát huy được thế mạnh sản phẩm; quy trình sản xuất còn chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định; các chủ thể là hợp tác xã quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh; việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn. Có cơ sở đã sản xuất được hàng hóa, sản lượng thấp, vẫn bán được trên thị trường nhưng không mặn mà với việc hoàn thiện quy trình để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đánh giá và công nhận, bởi chi phí tư vấn quá cao.

Ngoài ra, một số chủ thể chưa nhìn nhận được lợi ích khi sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt sao OCOP; Tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP giai đoạn mới cũng khắt khe hơn, khiến việc phát triển sản phẩm OCOP mới, đánh giá lại và nâng sao gặp nhiều khó khăn; người dân chưa nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP…

Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình OCOP tại các địa phương, Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, các ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư, đẩy mạnh giải ngân. Rà soát, đánh giá, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung… hệ thống các văn bản. Cụ thể, đối với Quyết định số 38 của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 10/10/2022, quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Các đơn vị ban, ngành liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao phối hợp tổng hợp, đôn đốc triển khai thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 chưa thực hiện giải ngân hết sang thực hiện trong năm 2024; thành lập, kiện toàn Tổ công tác của các ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, song phải kiên định nguyên tắc đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng và mang tính bền vững.

Hiện nay, đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, tỉnh Hòa Bình đã hướng dẫn các chủ thể tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tiếp tục lựa chọn các mặt hàng để phát triển thành sản phẩm OCOP; huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các doanh nghiệp công ty có nhu cầu sản xuất về các sản phẩm thiết yếu tại các địa phương; lựa chọn nơi có nguồn hàng và người dân có nhu cầu ở đó.

Bà Đinh Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các huyện, thành phố hỗ trợ các chủ thể khắc phục vấn đề về bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tăng cường tổ chức ký kết hợp tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản với một số tỉnh, thành phố trong nước; tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm tại nhiều diễn đàn, hội chợ quảng bá sản phẩm hàng nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã phối hợp các sở, ngành tổ chức xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP chất lượng sang các thị trường Mỹ, Anh, EU... Để có thể đưa được những sản phẩm OCOP vào những thị trường có yêu cầu cao.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm