Hòa Bình khai thác tiềm năng na VietGAP trái vụ

Về hai vùng trồng na VietGAP của tỉnh Hòa Bình, ghi nhận của phóng viên cho thấy, đây đang là hướng đi đúng mà nhiều hộ nông dân ở hai huyện Lạc Thủy và Cao Phong lựa chọn bởi cây na thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

vna_potal_hoa_binh_hieu_qua_kinh_te_cao_tu_cac_mo_hinh_trong_na_vietgap_7540360.jpg
Vườn na trên đỉnh dốc Cun thuộc thành viên của Tổ hợp tác na đỉnh Cun ở xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tại huyện Lạc Thủy, người nông dân đã chuyển đổi cây trồng hiệu quả khi mô hình trồng na dai ở thôn Đồng Bong tại xã Đồng Tâm đã thành công và đem lại thu nhập kinh tế cao và ổn định cho các hộ dân nơi đây. Đồng thời sản phẩm Na dai Đồng Bong đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình.

Thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy có lợi thế về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho cây na phát sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình anh Đào Văn Hùng là hộ trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP lớn nhất thôn Đồng Bong với gần 1,5 ha đang bước vào mùa thu hoạch.

Anh Hùng chia sẻ, từ năm 2020 nhận thấy những điểm tương đồng về thổ nhưỡng, khí hậu cùng tiềm năng về kinh tế, gia đình anh triển khai chuyển đổi cây trồng, xây dựng mô hình trồng na dai với số lượng 600 gốc, thời điểm hiện tại vườn Na của gia đình đã có 1.000 gốc.

Gia đình thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, những năm gần đây vườn na chính vụ và trái vụ đạt trên 22 tấn quả, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, qua đó đem lại thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm được người mua, thương lái ưa chuộng và được bán tại các thị trường trong nước. Cây na hiện là cây trồng chủ lực đem lại kinh tế cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, thời gian qua, xã Đồng Tâm đã thay thế các cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống na dai. Sau một thời gian sản xuất, cây na đang tỏ rõ là một trong những cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, toàn xã Đồng Tâm có khoảng 50 ha trồng na với hơn 50 hộ trồng, chủ yếu ở thôn Đồng Bong. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam…

Mùa na Đỉnh Cun năm nay đang vào vụ chính, giá bán buôn tại vườn khoảng 30.000/kg, sau khi phân loại quả hiện na đỉnh Cun tại thị trường có giá bán 40.000 - 50.000/kg. Xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong, Cao Phong có khoảng 20,2 ha diện tích đồi núi dành trồng na trong đó có hơn 19ha trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, thu nhập hàng năm đạt 80-100 triệu/năm/hộ.

Tại xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, năm 2020 tổ hợp tác Na đỉnh Cun được thành lập với 26 thành viên tham gia mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một hướng đi mới cho thấy hiệu quả trong việc chuyển đổi giống cây trồng khi sản phẩm na đỉnh Cun được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình được người tiêu dùng ưa chuộng mang lại thu nhập kinh tế cao cho người trồng na.

Tại vườn trồng na của các thành viên tổ hợp tác Na đỉnh Cun, cây na được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ khi bắt đầu mùa vụ, các nhà vườn thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc nghiêm ngặt với quy trình hoàn toàn hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học… Đến nay diện tích trồng na của Tổ hợp tác na đỉnh Cun vào khoảng 20,2 ha.

Chị Phạm Thị Thảo, chủ nhiệm tổ hợp tác na đỉnh Cun cho biết, ngay khi nhận thấy tiềm năng mà cây na mang lại, gia đình chị Thảo đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng na trên diện tích khoảng 1 ha đất đồi ngay trên đỉnh Cun, thu nhập kinh tế ổn định hàng năm của gia đình trừ chi phí đạt hơn 100 triêu đồng/năm.

Chia sẻ với phóng viên, các thành viên Tổ hợp tác na đỉnh Cun cho biết, kỹ thuật chăm sóc na không phức tạp, nhưng đòi hỏi công chăm sóc có thời điểm phải liên tục. Ngay khi na bắt đầu ra hoa các hộ trồng na phải lựa chọn hoa từ cây giống khỏe mạnh trực tiếp thụ phấn cho từng bông hoa một, đồng thời phải bổ sung phân bón, nước tưới, cần cắt, tỉa cành thường xuyên trong cả quá trình đơm hoa kết trái để quả na cho trái to, đậu quả đúng thời điểm.

Ông Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy cho biết, thời gian qua, chính quyền huyện Lạc Thủy đã đặt mục tiêu xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với thế mạnh của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong canh tác, sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch.

vna_potal_hoa_binh_hieu_qua_kinh_te_cao_tu_cac_mo_hinh_trong_na_vietgap_7540365.jpg
Cán bộ Phòng nông nghiệp huyện Cao Phong (Hòa Bình) trao đổi kỹ thuật trồng na với chị Phạm Thị Thảo, Chủ nhiệm Tổ hợp tác na đỉnh Cun. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

* Tiềm năng thu hoạch na trái vụ tăng thu nhập

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy và xóm Đỉnh Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong có vị trí cao, tính chất thổ nhưỡng đồi núi là đất đá, sạch và mát nên phù hợp để cây na phát triển.

Na Đồng Bong cũng như Na đỉnh Cun có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng, ít hạt, vị ngọt thơm đặc trưng… đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người trồng na. Những hộ trồng na đã từng bước thực hiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, sản xuất thu hoạch vụ na thứ 2 trong năm (hay còn gọi là na trái vụ) bắt đầu từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10. Từ việc tăng năng suất cây trồng, thu nhập của nhiều hộ dân ở hai địa phương trồng na của tỉnh Hòa Bình đã tăng lên đáng kể.

Anh Đào Văn Hùng, ở thôn Đồng Bong cho biết, mùa na trái vụ trong năm thường vào thời điểm ít mưa, quả to, ngọt hơn na vụ chính nên tư thương thường tự liên hệ tìm đến tận vườn để thu mua. Mùa na trái vụ năm 2023, gia đình anh thu về thêm hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho biết, để na sinh trưởng trái vụ, người trồng na bón 3 đợt phân trong năm, cắt bỏ bớt hoa chính vụ, tỉa cành, tuốt lá để kích thích cây đâm chồi mới và ra hoa. Cùng với đó phải lựa chọn hoa từ cây giống khỏe thực hiện thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả na to, tròn, đều, đẹp. Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm na Đồng Bong và na Đỉnh Cun có chất lượng tốt, thơm, độ ngọt cao, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khẳng định được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình.

vna_potal_hoa_binh_hieu_qua_kinh_te_cao_tu_cac_mo_hinh_trong_na_vietgap_7540362.jpg
Vườn na trên đỉnh dốc Cun của Tổ hợp tác na đỉnh Cun ở xóm đỉnh Cun, xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo ông Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình tiếp tục khuyến khích hỗ trợ địa phương duy trì và phát huy vùng trồng na, đảm bảo tính bền vững, chất lượng sản phẩm, hình thành và nhân rộng vùng trồng na ở những khu vực điều kiện đất đai phù hợp, xây dựng các mô hình trồng na tiêu biểu. Đồng thời, tiếp tục quan tâm khuyến khích sản xuất na theo chuỗi, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương trong tỉnh Hòa Bình.

Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm