Người dân xã Bồ Lý làm giàu từ cây na dai

Áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật, gia đình ông Ngô Trung Chín ở xã Bồ Lý đã đầu tư trồng cây na dai giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nguồn: vinhphucplus.com
Áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật, gia đình ông Ngô Trung Chín ở xã Bồ Lý đã đầu tư trồng cây na dai giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nguồn: vinhphucplus.com

Vài năm qua, người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cây na dai. Cây na dai trước đây được bà con xã Bồ Lý đưa vào trồng ở ruộng, vườn, sau khi theo dõi thấy cây trồng này thích nghi người dân đã tiến hành trồng tập trung không những ở ruộng, vườn của gia đình mà còn mở rộng ra các khu đất chân đồi, chân núi.

Người dân xã Bồ Lý làm giàu từ cây na dai ảnh 1Áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật, gia đình ông Ngô Trung Chín ở xã Bồ Lý đã đầu tư trồng cây na dai giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nguồn: vinhphucplus.com

Nhờ cây hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thêm vào đó là người dân quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, do đó những năm gần đây cây na dai tại Bồ Lý không ngừng tăng thêm diện tích, sản phẩm quả có chất lượng cao, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm na dai ở địa phương thuận lợi, dễ dàng, người trồng na Bồ Lý thổ lộ.

Ông Trần Nam Thanh, Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho biết, cây na nói chung ở Bồ Lý trước đây chủ yếu được trồng ở trong các vườn tạp, người dân chưa xác định là cây trồng chủ lực và thế mạnh tại địa phương. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi bà con theo dõi cây này phù hợp với đất đai, chất lượng sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết tới và đánh giá cao, do đó diện tích cây na ở Bồ Lý ngày càng được nhân rộng.

Đặc biệt là người dân đã chuyển đổi vườn tạp, chuyển đổi diện tích ruộng ở khu có địa hình cao canh tác khó khăn sang trồng na và cây na còn được phát triển thêm ở các dải đất ven đồi núi... Đến năm 2020, toàn xã Bồ Lý đã có 120 ha trong na, hầu hết là na dai, diện tích cây na hiện nay tăng gấp đôi so với 5- 7 năm về trước.

Anh Đỗ Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồ Lý tâm sự, Bồ Lý là xã miền núi khó khăn, địa hình bị chia cắt bởi đồi núi nên sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp. Song, nhờ biết khai thác tiềm năng, người dân xã xã Bồ Lý đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa cây na dai vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ cây trồng này mà nhiều hộ dân nơi đây xoá được đói, giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hiệu quả kinh tế từ cây na theo tính toán cao gấp 5 - 7 lần so với trồng lúa, ngô, đỗ... nhưng vấn đề là cây này "có duyên" với đất đồi, chân ruộng cao.

Đường về xã Bồ Lý giờ đây từ xa đã nhìn thấy một màu xanh mướt bao phủ trên diện rộng và màu xanh ấp là màu của cây na. Khác với trồng và chăm sóc na so với trước, giờ đây người trồng đã quan tâm chăm sóc, bảo vệ cây rất kỹ lưỡng từ khâu chăm bón, tưới giữ độ ẩm vườn phù hợp, cắt tỉa, thụ phấn cho hoa đậu quả... đều được thực hiện đúng quy trình, bài bản.

Theo anh Hoan, cây na trồng dày hơn các loại cây ăn quả lâu năm khác, mỗi héc ta trồng na theo hướng dẫn kỹ thuật là 800 cây. Tuy vậy, ở xã Bồ Lý người dân trồng thường thưa hơn do đất trồng vướng sỏi đá lớn, diện tích đất không bằng phẳng... Song, hầu hết các hộ trồng na đều có những kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc na và nhiều hồ gia đình cho thu nhập trên dưới trăm triệu đồng/hộ/vụ.

Gia đình ông Bùi Huy Hoàng ở thôn Trại Mái, xã Bồ Lý có vườn với 1.400 gốc na dai. Năm 2019, vườn na của gia đình ông Hoàng mới bói nhưng đã cho thu hoạch 60 triệu đồng và năm 2020, dự kiến gia đình ông Hoàng thu hoạch 150 triệu đồng tiền thu hoạch na.

Theo người dân trồng na ở xã Bồ Lý, hiện nay cây na đang vào mùa thu hoạch quả rộ nhưng việc tiêu thụ na cũng dễ dàng, nhất là na quả to đều, mẫu mã đẹp. Giá na loại 1 bán tại vườn cho tiểu thương hiện nay là 45.000 - 50.000 đồng/kg; na quả loại thường giá giao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Chị Trần Thị Bảo ở thôn Ngọc Thụ, xã Bồ Lý - chuyên thu gom sản phẩm na quả ở địa bàn xã Bồ Lý cho hay, ở địa bàn xã Bồ Lý hiện có 4 - 5 điểm thu mua na. Riêng điểm của chị Bảo mỗi ngày thu mua từ 1,3 - 1,4 tấn na quả của bà con địa phương và được các tiểu thương mua lại ngay trong ngày để mang đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.

Theo các hộ dân trồng na, cây na dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng để cây đạt năng suất cao, mẫu sản phẩm na quả đẹp, chất lượng tốt... phải quan tâm đến khâu chăm sóc, chăm bón, nhất là thời kỳ từ khi cây ra hoa, kết trái đến lúc cây thu hoạch. Điều đáng quan tâm là mỗi kg na quả to đẹp, tiểu thương có thể trả giá tại vườn lên tới 70.000 - 75.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với sản phẩm na quả mẫu mã thường, nhưng na quả to đẹp bao giờ cũng được các tiểu thương tìm kiếm bởi nhiều người tiêu dùng yêu thích. Cây na trồng đến năm thứ hai là bói và năm thứ 3 đã cho thu hoạch đồng loạt. Như vậy, so với các cây ăn quả khác là thời gian khá ngắn.

Việc phát triển cây na dai trên vùng đất đồi ở Bồ Lý là một trong những bước đi đột phá đã làm cho kinh tế của người dân nâng lên, không chỉ dừng lại là cây giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu chính đáng. Hiện nay, toàn xã có hơn 300 hộ tham gia trồng na tập trung với diện tích gần 120 ha. Đặc biệt, tháng 5/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho na dai Bồ Lý. Đây là cơ hội để cây na dai Bồ Lý nâng cao giá trị hơn, mở rộng thị trường.

Thời gian tới, các cấp chính quyền ở tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện thuận lợi để người dân trồng na dai ở Bồ Lý tiếp cận nguồn vốn sản xuất; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ tổ chức giới thiệu. quảng bá rộng rãi cũng như cung cấp sản phẩm quả na an toàn đến người tiêu dùng trong cả nước.

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm