Trồng rau trái vụ - hướng thoát nghèo nơi vùng cao biên giới Lào Cai

Trồng rau trái vụ - hướng thoát nghèo nơi vùng cao biên giới Lào Cai

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, các cấp chính quyền địa phương Lào Cai tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó phát triển rau màu trái vụ. Rau bắp cải trái vụ đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân vùng cao biên giới như Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai. Trước hiệu quả kinh tế bước đầu mà loại cây này mang lại, hiện các địa phương không những đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân mở rộng diện tích loại cây trồng mà còn tăng cường liên kết, bao tiêu sản phẩm, giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Trồng rau trái vụ - hướng thoát nghèo nơi vùng cao biên giới Lào Cai ảnh 1Rau thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó, nên người dân rất phấn khởi. Ảnh : laocai.gov.vn

Những ngày này, trong khi rau bắp cải của các tỉnh dưới xuôi mới đang kỳ xuống giống, thì lứa bắp cải trái vụ trồng từ tháng 4 của nhiều hộ dân ở huyện Mường Khương đã cho thu hoạch xong và lứa mới cũng bắt đầu nhú xanh non mơn mởn.

Nếu như những năm trước, thời điểm này, các hộ dân thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngải Chồ (Mường Khương) đang tập trung cấy lúa mùa thì năm nay toàn bộ diện tích ruộng đã được chuyển sang trồng rau bắp cải. Mặc dù là năm đầu tiên trồng rau bắp cải trái vụ nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc nên diện tích rau của hầu hết các hộ dân phát triển tốt. Trên xứ vùng cao mát lạnh này, bắp cải không cần tưới nước, phun thuốc trừ sâu, chỉ bỏ công chăm sóc nhưng cây nào cũng cuộn tròn, nặng hàng cân. Bình quân mỗi cây có trọng lượng 1,5-2kg.

Ông Hoàng Trường Minh, Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngải Chồ cho biết, năm đầu tiên đưa cây rau bắp cải vào trồng trái vụ xã Tả Ngải Chồ mới có 4 hộ tham gia với diện tích 4 ha. Ban đầu, chính quyền địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong việc vận động nhân dân tham gia mô hình. Sau khi được đi tham quan thực tế tại một số xã vùng cao khác của huyện, đồng thời, được sự tuyên truyền vận động của chính quyền nên người dân đã tin tưởng và hăng hái tham gia.

Cũng theo ông Hoàng Trường Minh, mỗi ha bắp cải trái vụ cho năng suất 30 - 40 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, người dân có thu nhập tối thiểu 150 triệu đồng/ha. Tuy thu nhập không cao bằng trồng ngô/vụ nhưng vì ngô chỉ trồng được 1 vụ/năm trong khi bắp cải mỗi năm có thể trồng được 3 vụ. Hệ số thâm canh cao hơn nên cho nguồn thu cao gấp khoảng 2 lần so với, trồng lúa, 3 lần so với trồng ngô.

Được biết, rau bắp cải trái vụ đã được trồng ở một số xã vùng thượng huyện Mường Khương từ nhiều năm nay, nhưng với hình thức nhỏ lẻ, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu của gia đình và số ít được tiêu thụ nội huyện. Nhận thấy ưu thế về khí hậu cũng như cánh cửa thị trường rộng lớn, huyện Mường Khương đã vận động nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ giống, vận động nhân dân chuyển sang trồng rau bắp cải trái vụ.

Do đó, năm 2020 là năm đầu tiên huyện Mường Khương triển khai dự án trồng rau trái vụ trên quy mô lớn diện tích 12,73 ha với sự tham gia của 56 hộ tại 14 thôn của 6 xã là Tả Ngài Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn và xã La Pan Tẩn. Năng suất bình quân đạt 18,3 tấn/ha, sản lượng thu hoạch đạt gần 234 tấn, giá bán bình quân từ 4.000đ - 5.000đ/kg, giá trị sản lượng đạt trên 1 tỷ đồng. Như vậy, việc trồng rau trái vụ không chỉ giúp cho các hộ gia đình tăng thêm thu nhập, xoá đói giảm nghèo mà qua đó giúp cho các xã thực hiện hiệu quả hơn trong tiêu chí thu nhập trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết, tham gia dự án, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP. Theo rà soát của huyện Mương Khương, diện tích có thể trồng được rau bắp cải trái vụ có thể đạt 100 – 200 ha. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển loại cây này. Ngoài ra, huyện cũng sẽ đưa một số loại rau ôn đới khác vào trồng như rau súp lơ xanh, cải thảo, ớt, cà chua, rau cần tây…

Hiện phần lớn sản phẩm rau bắp cải trái vụ của Mường Khương được Hợp tác xã Cao Sơn- Đơn vị đầu mối thu mua và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng liên kết với một số doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm rau tiêu thụ tại các tỉnh dưới xuôi như Quảng Ninh, Hải Phòng…

Để tăng cường liên kết, bao tiêu sản phẩm, giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mới đây, huyện Mường Khương đã tổ chức ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa 6 xã Tả Ngài Chồ, Pha Long, Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, xã La Pan Tẩn và Thị trấn Mường Khương với Công ty cổ phần nông sản Kim Phúc. Việc ký kết hợp đồng sẽ giúp cho các hộ gia đình, các xã, thị trấn yên tâm hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tương tự, tại huyện Si Ma Cai, thực hiện việc liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường, Hà Nội đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm rau bắp cải trái vụ với tổng diện tích 18 ha trên địa bàn huyện Si Ma Cai với giá 6.000 đồng/kg. Đã có 95 hộ đăng ký tham gia sản xuất rau bắp cải trái vụ. Khi tham gia, người dân được Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường hỗ trợ toàn bộ cây giống và sẽ bao tiêu toàn bộ đầu ra với mức giá ổn định.

Tại các huyện vùng cao biên giới Lào Cai, mô hình trồng rau trái vụ được triển khai đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hạn chế hiện tượng đi làm thuê bên kia biên giới. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân vùng cao còn lạc hậu, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, người dân cũng chưa biết tính toán và ngại chuyển đổi theo hướng mới, nên chính quyền các địa phương đang chú trọng tuyên truyền, nêu gương bằng các mô hình thực tế người thật việc thật để giúp đồng bào nơi đây tiếp cận được hướng đi hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân các xã vùng cao trên địa bàn.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm