Nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản ở địa phương, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển, sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển các sản phẩm OCOP
Ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bao La (xã Bao La, huyện Mai Châu) cho biết, thịt lợn đen Mường Pa của Hợp tác xã chăn nuôi xã Bao La là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung cấp ra thị trường, Hợp tác xã đã liên kết với 147 hộ vệ tinh tại các xã (Bao La, Cun Pheo, Xăm Khòe). Với những quy định của Hợp tác xã, các hộ vệ tinh cần nghiêm chỉnh chấp hành quy trình chăm sóc và về con giống. Cùng với đó, nhờ sự đồng hành của Tổ chức GNI (tổ chức phi chính phủ nhân đạo và phát triển quốc tế) và các cấp Hội Nông dân huyện Mai Châu, nông dân, các hộ vệ tinh được bồi dưỡng kiến thức sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu Nguyễn Thế Anh cho biết, nhận thức rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, các cấp Hội Nông dân huyện Mai Châu thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về mục tiêu, ý nghĩa chương trình; đồng thời, xây dựng các dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản phẩm tiềm năng cho các nhóm, hộ hội viên vay. Hiện nay, Hội Nông dân huyện quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân với gần 5 tỷ đồng, cho 137 hộ vay. Hội đã phối hợp với 3 ngân hàng (Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu điện Liên Việt) hỗ trợ trên 5.200 hộ hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 300 tỷ đồng.
Để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân huyện đã phối hợp đưa sản phẩm OCOP của địa phương, nông sản do nông dân sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, các cấp Hội phối hợp với các ngành tranh thủ các nguồn lực tổ chức 10 lớp đào tạo nghề cho 345 lượt hội viên nông dân tham gia; phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể (toàn huyện thành lập mới được 5 Hợp tác xã); hướng dẫn thành lập mới 6 tổ hợp tác (nâng tổng số toàn huyện 54 tổ hợp tác). Các cấp Hội đã duy trì 6 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả về dệt thổ cẩm, chăn nuôi lợn đen, nuôi cá dầm xanh, cá trắm, cá chép...
Hiện nay, huyện Mai Châu có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là: Du lịch homestay bản Lác (xã Chiềng Châu), du lịch cộng đồng xã Hang Kia, thổ cẩm dệt tay bản Lác, quà tặng từ thổ cẩm Chiềng Châu (xã Chiềng Châu). Cùng với đó, địa phương còn có các sản phẩm thế mạnh được gắn sao OCOP (như rượu Láu Siêu xã Mai Hạ, quần áo thổ cẩm Chiềng Châu, thịt lợn đen Mường Pa - xã Bao La, vịt cổ xanh Mường Hịch - xã Mai Hịch) cùng nhiều sản phẩm có tiềm năng lớn để phát triển, nhân rộng (như khoai sọ Sơn Thủy, tỏi tía Thành Sơn, ngô nếp Thung Khe...).
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Biên cho biết, để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Các cấp Hội đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, OCOP gắn với xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã được hình thành và phát huy hiệu quả; các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình hội viên, nông dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại thu nhập cao và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động…
Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, 5 năm qua (2018 - 2023), Hội đã tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thành lập mới 72 hợp tác xã với 586 thành viên, 329 tổ hợp tác với gần 5.000 thành viên; thành lập mới 94 chi hội nông dân nghề nghiệp, 606 tổ hội nông dân nghề nghiệp; tổ chức 24 lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho 860 lượt hội viên nông dân. Toàn tỉnh có 47 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, 32 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng.
Hội Nông dân đã hỗ trợ hội viên tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường; ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố để quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel chi nhánh Hòa Bình lựa chọn các hộ có sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tập huấn hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Hội duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn được hỗ trợ thành lập tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm OCOP, nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; phối hợp hỗ trợ nông dân sử dụng 750.000 tem truy xuất thông tin và 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, gần 3.000 sản phẩm nông sản, OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 284 sản phẩm lên sàn Voso.vn; hơn 1.000 tấn nông sản các loại của hội viên nông dân được kết nối, hỗ trợ tiêu thụ.
Ông Bùi Đức Biên cho biết thêm, để xây dựng thương hiệu theo chương trình OCOP, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chú trọng thực hiện hiệu quả công tác vận động, tổ chức, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị nông sản hàng hóa trên địa bàn; tập trung hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường.
Vũ Hà