Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy

Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy

Nhãn Sơn Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã từng bước xây dựng được thương hiệu của mình, tạo thành vùng trồng tập trung. Đặc biệt, năm 2016, sản phẩm nhãn của Hợp tác xã Sơn Thủy được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ngoài việc bán ra nhiều thị trường trong nước, năm 2022 nhãn Sơn Thủy đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Nhưng hiện nay, do không đảm bảo được đầu ra ổn định, giá thành thấp, dẫn đến thương hiệu bị mai một, tình cảnh nhiều hộ dân trồng nơi đây không mặn mà với việc phát triển cây nhãn Sơn Thủy nữa trong thời gian tới là rất cao.

Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy ảnh 1Cán bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy kiểm tra chất lượng quả nhãn. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn xã Xuân Thủy, đến nay diện tích trồng nhãn đã mở rộng trên 170 ha; với 2 loại đặc trưng: nhãn Hương Chi và nhãn Miền. Có khoảng 600 hộ dân tham gia trồng tại các xóm: Khoang, Bèo, Lốc, Khớt…

Những năm trở lại đây, cây nhãn được nhân rộng, trồng phổ biến toàn xã và các địa bàn lân cận, dẫn đến thực trạng nguồn cung vượt cầu. Nhiều hộ dân trồng nhãn với quy mô nhỏ, lẻ, không tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất hợp tác xã; chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, dẫn đến chất lượng quả thấp, ảnh hưởng đến thương hiệu của vùng. Ngoài ra, các loại nhãn có thương hiệu bền vững như: Hưng Yên, Sơn La... ngày càng phát triển, dẫn đến triệt tiêu, bó hẹp thị trường sản phẩm nhãn Sơn Thủy.

Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy ảnh 2Thu hoạch nhãn tại xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Khảo sát tại xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi trung tuần tháng 8/2023, phóng viên TTXVN nhận thấy nhiều vườn nhãn đang vào vụ chín rộ, nhưng việc thu hoạch chậm diễn ra. Qua tìm hiểu có thể thấy giá thành nhãn năm nay quá thấp, thương lái đến mua nhỏ lẻ, dẫn đến có hộ trồng bỏ vườn. Dự kiến, sản lượng nhãn năm 2023, chỉ đạt 1/3 cùng kỳ năm trước, trong khi giá thành quả nhãn năm 2022 đạt từ 17.000 - 20.000 đồng/kg thì thời điểm này chỉ dao động từ 7.000 – 9.000 đồng/kg.

Theo ông Bùi Văn Đông, hộ dân trồng nhãn tại xã Sơn Thủy (Kim Bôi) cho biết, quá trình sản xuất quả nhãn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, năm nay mưa nhiều, mặc dù cây nhãn ra hoa nhiều nhưng tỉ lệ đậu quả rất thấp, thậm chí nhiều vườn các hộ không có quả, dẫn đến mất mùa. Ngoài ra, giá cả không ổn định dẫn đến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đầu tư rất nhiều mà sản phẩm tiêu thụ rất chậm. Thực trạng như hiện nay, cũng mong muốn chính quyền địa phương có quy hoạch vùng trồng rõ ràng, định hướng để người dân tập trung phát triển cây nhãn bền vững.

Anh Nguyễn Xuân Trường, thương lái từ tỉnh Hải Dương đến thu mua nhãn tại xã Sơn Thủy cho biết: "Những năm trước tôi đến xã Sơn Thủy để thu mua mỗi ngày được 2-3 chuyến xe để vận chuyển đến các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Trung để bán, nhưng năm nay lượng tiêu thụ quả nhãn rất chậm nên mỗi ngày chỉ vận chuyển được một chuyến. Nhãn Sơn Thủy có hương vị đặc trưng riêng, dầy cùi, thơm ngọt... nên được người tiêu dùng ưa thích, nhưng do loại quả này hiện được trồng rầm rộ ở nhiều nơi nên lượng cung vượt quá lượng cầu, mặt khác cũng do khó khăn về kinh tế, nên lượng tiêu thụ của người dân sụt giảm.

Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy ảnh 3Cán bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy kiểm tra chất lượng quả nhãn trước khi xuất bán cho thương lái. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Ông Bùi Trọng Thơ, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy chia sẻ, hiện nay đơn vị đang tích cực thu mua nhãn để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt cho bà con. Vụ thu hoạch năm nay thị trường thu mua nhãn ảm đạm, sản lượng cây trồng không đạt để xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Nguyên nhân dẫn đến việc ồn ứ quả nhãn Sơn Thủy cả khách quan và chủ quan. Thời tiết năm nay không ủng hộ để cây nhãn đạt sản lượng, chất lượng như yêu cầu. Ngoài ra, nhiều hộ dân trồng tự phát, chưa tham gia hợp tác xã, dẫn đến không áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trong việc trồng trọt, chăm sóc. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục yêu cầu các thành viên tuân thủ quy trình của VietGAP, Global GAP..., tăng cường liên kết chặt chẽ với các tiểu thương, đảm bảo đầu ra, giá thành tốt nhất.

Tìm đầu ra ổn định cho nhãn Sơn Thủy ảnh 4Vận chuyển nhãn lên các xe tải mang đi tiêu thụ. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, ông Bùi Văn Tú cho biết, nhãn Sơn Thủy được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương trong nhiều năm qua. Tuy nhiên từ khi dịch COVID - 19 bùng phát, thị trường tiêu thụ bị đứt gãy, sản lượng cây trồng suy giảm nghiêm trọng.

Thời gian tới, người dân mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ thực hiện giải pháp để duy trì và phát triển cây trồng. Tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và tiếp tục xuất khẩu quốc tế. Cùng đó, khuyến khích các hộ dân trồng nhãn tích cực học hỏi kinh nghiệm của những vườn mẫu, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Từng bước phục hồi và phát triển cây nhãn Sơn Thủy góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm