Người M’nông đan gùi mới |
Đối với gùi thông dụng như gùi lúa, gùi củi…, người đàn ông nào cũng đan được, nhưng riêng gùi có nắp phải là nghệ nhân có tay nghề rất giỏi và có cách đan hơi khác, đan theo khối hình trụ tròn, nắp khum tròn chóp nón. Người thợ giỏi có thể đan hai lớp nan, đan nan nổi, đan cải nan nhuộm màu,… đều được. Trên nắp gùi người ta đan các dải hoa văn theo lối kép gồm hai đường viền khác nhau chạy song song đều đặn. Việc tạo hoa văn trên gùi có nắp không phải bằng cách quét sơn lên sau khi sản phẩm đã hoàn tất, mà tiến hành đồng thời trong khi đan. Các nan màu đen, màu đỏ theo ý đồ của người nghệ nhân, sẽ được nhuộm trước, sau đó lần lượt cài vào và sẽ hiện dần trên sản phẩm. Những chiếc gùi có hoa văn giá trị đổi chác hoặc gìn giữ đều cao hơn hẳn gùi thường và dùng cất giữ vải vóc, váy áo, mền đắp, đồ trang sức, các vật dụng quý trong gia đình. Vì vậy, trong một bon chỉ có một hoặc hai người biết đan, thậm chí không có phải trao đổi các tài sản khác như lúa, heo, bò để đến đổi gùi đưa về nhà sử dụng.
Để đan một chiếc gùi hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian (từ 15 đến 30 ngày). Trước hết phải vào rừng tìm kiếm nguyên vật liệu, chủ yếu là cây mây, lồ ô thẳng, đẹp, không quá già cũng không quá non rồi chặt thành từng đoạn, ngâm dưới nước suối qua lớp bùn cho đủ độ dẻo, công đoạn tiếp theo là chẻ lạt, lạt cũng cần phải trơn nhẵn, đều đặn để có độ kín và tạo hoa văn trên thân gùi. Công đoạn này rất quan trọng nó thể hiện tài năng khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Những sợi lạt tạo hoa văn được để riêng, chúng được vót trước khi bắt tay vào làm gùi. Gùi được dựng khung bằng những chiếc nan thẳng đứng trước, sau đó đan từ dưới lên. Tới miệng nẹp thêm thanh tre để lâu trên gác bếp đã chuyển sang màu nâu hơ nóng cho dễ uốn thành vòng tròn quanh miệng gùi, buộc chéo những sợi mây chẻ nhỏ cho chắc chắn, sau cùng mới làm đế.
Người M’nông theo tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh), họ cho rằng tất cả mọi vật dụng sinh hoạt hằng ngày đều có một vị thần cư ngụ và cai quản. Vì vậy, chiếc gùi do tự tay đan, trao đổi hoặc mua về đều phải tiến hành làm lễ cúng thần, lễ vật hiến sinh thường là một ché rượu cần nhỏ và một con gà trống tơ. Người chủ nhà đứng ra làm lễ cúng và lấy huyết con vật hiến sinh đã pha với rượu bôi lên miệng gùi để mời thần linh về dự và phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, của cải dồi dào, làm ăn phát đạt,…
Ngày nay trong mỗi gia đình gùi không còn phổ biến do quá trình đô thị hóa, cách sống và sinh hoạt với những vật dụng hiện đại đã và đang thay thế những sản phẩm thủ công, đồng thời thế hệ trẻ không còn mặn mà học và tiếp nối truyền thống cha ông. Gùi đựng có nắp hay các loại gùi thông thường khác đang mai một, mất dần và trở nên thực sự quý hiếm.
Theo baodaknong.org.vn