Nghề gốm của người BaNa (nhánh Jơlâng) ở xã Đắk T're (Đắktơrê), huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có từ rất lâu, đời này nối tiếp đời kia. Gốm của người BaNa trông đơn giản, có màu đen bóng đặc trưng và mang đậm dấu ấn của văn hóa cổ xưa.
Sản phẩm gốm của người Bana tại triển lãm ở Hà Nội. Ảnh Hà Linh |
Đồ gốm của người BaNa ở đây rất khác so với sản phẩm gốm của người Kinh hay các dân tộc khác. Không nhiều mẫu mã mà cùng loại thì chẳng cái nào giống cái nào, tạo tiết đơn giản. Tuy nhiên, điều làm nên sự độc đáo dễ thấy chính là màu đen bóng mịn rất đẹp của mỗi sản phẩm. Anh Nazam Hasharim, khách du lịch Malaixia thích thú khi trải nghiệm nặn gốm nói: “Thoạt nhìn, tôi tưởng là những cổ vật cách đây hàng thế kỷ. Trông rất ngộ nghĩnh và đơn giản, đáng yêu như các chị làm gốm này vậy. Tôi ngồi hàng tiếng mà chỉ làm được cái bé bé này. Thật ngạc nhiên là họ chỉ dùng mấy dụng cụ thô sơ. Cách làm của họ khác so với những gì tôi biết.”
Cô Y-Đắktre cho biết nghề làm gốm của người BaNa có không rõ có từ bao giờ chỉ biết là khi còn nhỏ chỉ thấy mỗi các mẹ, các chị làm công việc này vào mùa khô hay mỗi khi nông nhàn. Làm gốm không khó lắm nhưng cần sự tỷ mỉ, kiên trì và thời gian nên rất hơp với phụ nữ.
Chị Y-Đăktre tại triển lãm "Báu vật đại ngàn" ở thủ đô Hà Nội. Ảnh Hà Linh |
Nguyên liệu làm gốm là đất sét, mà đất phải được lấy ở khu vực suối ĐăkT’Băng Giô cách làng 2km vì đất ở đây có độ dẻo cần thiết. Trước khi lấy đất, họ thường làm lễ cúng là một con gà và một bầu rượu. Tiết gà và rượu được vảy quanh khu đất đã chọn và khấn xin thần Prao...Sau khi lấy về, đất được phơi thật khô, giã nhỏ rồi sàng lấy đất mịn như bột. Sau đó, đất được bỏ vào trong một cái máng gỗ, cho nước vào nhào, đập đập, vỗ vỗ sao cho thật dẻo và có độ kết dính…Quy trình nặn sản phẩm về cơ bản giống nhau, làm thân trước rồi đến miệng gốm và khâu cuối là bịt đế.
Nét độc đáo trong công việc nặn gốm của người Ba Na là họ chỉ dùng một vài dụng cụ đơn giản là đoạn cật tre, miếng giẻ nhỏ, vài cái lá, hòn đá cuội. Không biết đến kỹ thuật bàn xoay, thay vào đó phụ nữ BaNa dùng một đoạn thân gỗ hay chiếc cối giã gạo để úp, đặt cao ngang đùi. Để tạo thân gốm, người phụ nữ đi tới đi lui, vòng quanh theo ngược chiều kim đồng hồ. Một tay đỡ bên ngoài, tay kia nống trong khối đất cho đến khi rỗng lòng. Làm đến miệng thì đi theo chiều kim đồng hồ. Thỉnh thoảng người thợ dùng miếng giẻ ướt vuốt nhẹ lên thân gốm để bổ sung nước. Xong phần thân miệng, phơi 1 ngày rồi làm đế bình, khi đó họ ngồi duỗi thẳng để gốm lên đùi rồi bít đế sao cho in, khít. Cô Y-đăktrê nói, khâu tạo hình mất thời gian nhất và đòi hỏi sự kết hợp hết sức nhuần nhuyễn giữa đôi tay, bước di chuyển của chân, sự quan sát tinh tường của mắt.
Người Bana (nhánh Jơlâng) chỉ dùng một thân gỗ hay cối đá lật úp và đi xoay theo khối kê cố định đó. Ảnh Hà Linh |
“Khi nào nặn xong, chỉnh sửa hoàn chỉnh, để khô 3 ngày trong bóng mát, lấy viên đá cuội tròn mài riết cho nhẵn láng rồi đem đi hơ trên lửa ở bếp nấu rồi mới đem nung.” Cô Y-Đắctơrê nói.
Hiện nay, người BaNa vẫn còn lưu giữ cách nung trong đống lửa ngoài trời, ở nơi kín gió, xếp củi vây kín số gốm bên trong, ngoài và bên trên…Các sản phẩm gốm của người BaNa nhánh Jơlâng không đa dạng về chủng loại, kiểu dáng đơn giản và mang nét văn hóa rất riêng.
Chị Thanh Ngọc, cán bộ bảo tàng- thư viện tỉnh Kon Tum cho biết:.“Gốm ở đây hầu như để trơn, không có hoa văn. Đặc biệt, người BaNa tạo màu bằng vỏ cây gọi là Tnung.Quá trình nung gần xong, họ lấy ra rồi vỏ cây Tnung được đập rập, nhúng vào nước đập phết lên bề mặt gốm, làm khoảng 3, 4 lần như thế. Làm vậy để gốm có màu đen bóng đẹp và chắc bền”.
Vỏ cây T'nung (giống thân cây lộc vừng) dùng để phết lên thân gốm tạo màu đen bóng và bền. Ảnh Hà Linh |
Để cho ra đời một mẻ gốm đẹp đều phải có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như: thời tiết, địa điểm, nhiệt độ, thời gian, nhiều công sức. Tất cả những điều ấy chỉ có sự nhạy cảm tinh tế, kinh nghiệm dân gian của người thợ mới biết được. Cô Y-đắcktrê nói, tuy giờ mọi vật dụng đều rất sẵn mua ngoài chợ nhưng trong mỗi gia đình người BaNa Jơlâng cũng phải có ít nhất vài đồ gốm: “Của mình mua thì nấu không ngon bằng những thứ này. Nấu cơm ngon. Nhà nào cũng có một hai ba cái như này. Nếu không nấu cơm thì đồ xôi rất dẻo. Hay, họ đựng men nấu rượu, đựng muối, đựng được cái gì thì đựng. Theo phong tuc không bao giờ bỏ.”
Gốm khi đang nung lấy ra 3 lần để phết màu đen. Ảnh tư liệu |
Tuy vậy, điều mà những người như cô YBiêng lo lắng nhất hiện nay là phụ nữ trẻ BaNa không mặn mà với nghề làm gốm truyền thống nữa:“Giờ ở đây không mấy ai làm nữa. Người trẻ không ai biết làm. Cũng muốn truyền nghề nhưng các con không thích học vì sợ dơ tay. Tính bỏ rồi nhưng từ khi các bảo tàng đến nhắc lại nghề truyền thống rồi đặt sản phẩm trưng bày. Vì thế chúng tôi lại tiếp tục làm nghề thôi”.
Giữ nét xưa để thêm yêu cuộc sống hiện tại, hiểu về nguồn cội để biết trân trọng và khâm phục khả năng lao động sáng tạo, sự khéo léo của người BaNa xưa là việc làm cần thiết. Tuy vây, theo chịThanh Ngọc, cán bộ văn hóa tỉnh Kon Tum thì ý thức truyền nghề trong cộng đồng người Bana mới là sự bảo tồn rõ nét nhất.
Theo vovworld.vn