Đường vào bản Pú Tửu thuận tiện, đời sống của người dân được nâng lên về cả tinh thần và vật chất. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN |
Cứ vào khoảng 25 đến 28 tháng Chạp hàng năm, bản làng lại nhộn nhịp hơn, nhà nhà lại rộn ràng chuẩn bị cho ngày Tết qua việc chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, lương thực thực phẩm, đặc biệt là chuẩn bị lợn, gà để làm mâm cúng tổ tiên, ông bà. Trở lại Pú Tửu những ngày này, dễ dàng cảm nhận được bầu không khí Tết đang đến thật gần với bà con cộng đồng dân tộc Khơ- Mú nơi đây.
Những ngày đầu tháng 1, khi cái lạnh đầu ngày của thung lũng vùng lòng chảo Mường Then- Mường Trời đã không còn se sắt; ánh nắng ấm áp của mặt trời vừa nhú lên từ dãy núi Pú Ngoa đã kịp sưởi ấm cho bản làng Pú Tửu, điểm tô cho hai hàng cúc quỳ trải dài dọc ven đường từ trung tâm huyện Điện Biên đến bản Pú Tửu rợp màu vàng óng thì niềm háo hức, chuẩn bị đón Tết của bà con trong bản Pú Tửu lại càng nhân lên.
Bản Pú Tửu giờ được tách thành hai đội 13 và 14, thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên; hôm chúng tôi có mặt tại Pú Tửu thì tại đội 14 của bản đang có gia đình tổ chức về nhà mới. Vì sự kiện quan trọng này, nên các hộ dân trong đội 14 tạm gác việc đồng áng, đi nương để có mặt đông đủ, cùng chung tay giúp đỡ cho gia chủ tổ chức lễ “tân gia”. Trong đội 14, từ sáng tinh mơ cho đến trưa, ai nấy đều vui vẻ, cười nói, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp.
Đến đội 13 khi trời chuyển sang trưa, chúng tôi cũng bắt gặp không khí vui tươi, phấn khởi của mọi người dân nơi đây khi bà con vừa thu hoạch xong vụ sắn, chở từ rừng về bản. Khép lại vụ sắn cho năng suất, sản lượng tốt hơn những năm trước, một cái tết đủ đầy hơn đang chờ người dân bản Pú Tửu phía trước.
Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Ngôi nhà ngói đỏ khang trang nằm phía cuối con dốc nhỏ là của bác Bí thư chi bộ bản Pú Tửu Lò Văn Inh. Hôm nay, bác Lò Văn Inh có việc đi họp ở xã từ lúc tinh mơ, mọi việc gia đình nhờ đến tay vợ là bác gái Lò Thị Chuông. Tiếp chúng tôi bên bếp lửa trong căn nhà sàn bằng gỗ truyền thống, ngoài bác Chuông còn có bác Quàng Thị Nhẹ là hàng xóm thân quen, bác Chuông và bác Nhẹ đang têm trầu cho nhau, bàn câu chuyện về chuẩn bị đón Tết đang đến gần. Khi hỏi về tình hình chuẩn bị Tết nguyên đán thì bác Chuông cười tươi: “Đến Tết thì thịt lợn, thịt gà ăn Tết cùng người thân, con cháu, hàng xóm thôi!”. Còn bác Nhẹ cũng cho biết, gia đình bác sẽ tìm vài gia đình nữa để mua chung một con lợn mang về thịt ăn Tết.
Bác Nhẹ cho biết thêm, hơn 20 năm trước, cộng đồng người Khơ Mú ở đây cứ cặm cụi lao động quanh năm, chẳng biết Tết là gì. Sau này, khi tiếp xúc với người Thái, người Kinh, trong những dịp Tết cổ truyền được người Kinh, người Thái mời về ăn Tết nên cái Tết cổ truyền cũng hình thành trong cuộc sống của đồng bào Khơ-mú từ đó. Giờ đây cuộc sống của người Khơ-mú đã khấm khá hơn, dịp Tết đến xuân về nhà nào cũng tự tổ chức Tết. Tết là dịp để anh em họ hàng, người thân trong bản thăm hỏi, chúc mừng nhau sức khỏe, những điều tốt đẹp trong cuộc sống, lao động, cầu mong mùa màng bội thu, bản làng đoàn kết, hòa thuận.
Trong câu chuyện với bác Chuông, bác Nhẹ chúng tôi được biết, thường cứ đến khoảng ngày 25 hoặc ngày 27 tháng Chạp thì bà con Khơ-Mú ở Pú Tửu mới í ới rủ nhau cùng ra thành phố đến các chợ mua sắm để chuẩn bị đón Tết. Đến nay, nhà nào cũng có xe máy, đường từ bản Pú Tửu ra quốc lộ 279, ngược về thành phố Điện Biên Phủ đã được bê tông hóa sạch sẽ, khang trang, thuận lợi giao thông đi lại nên việc bà con Khơ-mú rời bản xuống phố, đi chợ mua sắm cũng dễ dàng hơn. Việc sửa sang nhà cửa được các gia đình chủ động thực hiện trước đó nhiều ngày. Công việc làm thịt lợn, thịt gà, gói và luộc bánh chưng thường làm vào ngày 29 tháng Chạp. Cuộc sống dù có khó khăn, vất vả nhưng nhà nào cũng cố gắng có thịt lợn trong mâm cỗ ngày tết và tiếp đãi khách đến chơi. Gia đình nào có điều kiện thì thịt riêng một con lợn, nếu không thì hai nhà, ba nhà, cùng chung nhau mổ thịt một con lợn.
Trong ba ngày Tết, thường từ đêm Giao thừa, mọi người trong bản đã bắt đầu đi thăm và chúc Tết nhau cho đến sáng hôm sau. Nhưng nghi lễ chúc Tết thể hiện rõ nhất là từ ngày mồng 1 cho đến ngày mồng 3 Tết. Vào mồng 1 Tết, bà con trong bản dành thời gian đi thăm họ hàng ở xa trước, hoặc chúc tết ông bà, bố mẹ. Sang ngày mồng 2 thì đi chúc người thân, họ hàng và bà con trong bản. Đến ngày mồng 3 bà con trong bản sẽ vừa đi chúc tết, vừa tham gia các trò chơi dân gian do cộng đồng bản làng tổ chức.
Trong những ngày Tết, người dân bản Pú Tửu đến từng nhà, uống chén rượu đầu xuân để chúc cho nhau sức khoẻ, chúc cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, thóc lúa đầy nhà, lợn gà đầy sân; ai cũng có một cuộc sống no đủ, hạnh phúc, bản làng an yên, đoàn kết. Dịp Tết còn là thời gian để người dân trong bản gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tham gia vào các điệu múa, câu hát cùng với những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, múa sạp, ném còn… để mọi người gần gũi hơn, đoàn kết chung sức xây dựng và phát triển bản làng.
Bác Lò Thị Chuông, đội 13 bản Pú Tửu, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên dự tính, Tết năm nay gia đình bác sẽ có nhiều thay đổi, có thể cả nhà sẽ đi sang huyện Tuần Giáo để ăn Tết vì trong năm 2018 người con gái út trong gia đình đi lấy chồng xa, cách Pú Tửu gần 100km. Do sợ con gái năm đầu tiên đón Tết xa nhà sẽ tủi thân nên bác Chuông sẽ đến nhà thông gia để động viên con gái. Còn bác Lò Thị Nhẹ cũng dự định sau ngày mồng 1 ăn Tết ở bản, bác sẽ bắt chuyến xe khách sớm nhất để về huyện Tủa Chùa, cách bản hơn 140km để cùng ăn Tết với người họ hàng.
Có mặt tại gia đình bác Quàng Văn Lún, chúng tôi bắt gặp bác Lún đang chăm chỉ nhổ cỏ cho vườn cà chua quả mọng trĩu cành. Bác Lún chia sẻ, vườn cà chua này ít ngày nữa sẽ thu hoạch bán cho thương lái, số tiền bán được gia đình bác sẽ gom vào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Cứ mỗi sáng thức dậy, bước chân ra vườn, nhìn thấy thành quả lao động của mình đang hiện hữu, bác lại thêm chắc niềm vui về một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn.
Khi câu chuyện với chúng tôi còn dang dở thì bác Lún phải dừng lại vì có tiếng xe máy trong sân, là anh Lò Văn Quyền, người trong đội đang chở hai cháu nhỏ tới chơi nhà. Vừa dựng xe máy dưới sân, anh Lò Văn Quyền đã khoe với bác Lún là năm nay cả nhà sẽ mổ riêng một con lợn to để ăn Tết, không phải ăn chung với các gia đình khác như mọi năm nữa. Anh Quyền cũng hồ hởi cho biết, vợ chồng anh đang tính sắp xếp thời gian để đi ra phố, mua quần áo mới cho hai đứa con.
Đi sâu vào trung tâm bản Pú Tửu, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh các bà, các chị đang ngồi bên bên hiên, ngay cạnh cầu thang của nhà sàn truyền thống cùng thêu thùa, may vá trang phục. Chị Quàng Thị Liên, người dân trong bản cho biết: Ngày Tết, bà con trong bản đều có ý thức mặc trang phục truyền thống của mình, trang phục của người phụ nữ Khơ-mú cũng giống người Thái ở đặc điểm chân váy hẹp, ôm gọn thân nhưng khác ở đặc điểm trang trí những hàng tiền bạc hoặc miếng tròn vỏ ốc dọc trước ngực. Phụ nữ Khơ-mú cũng đội khăn piêu trên đầu để tăng thêm phần nữ tính.
Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: 100% các hộ gia đình trong bản Pú Tửu đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến nay, người dân trong bản đã có tivi, xe máy. Trong bản có hai bể nước sạch được Nhà nước đầu tư xây dựng cung cấp cho người dân sử dụng. Bản cũng đã có trường Mầm non xây dựng khang trang, đảm bảo tất cả con em của cộng đồng dân tộc Khơ- mú đến tuổi đều được đi học, theo đuổi cái chữ. Trong năm 2014, bản Pú Tửu đã được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình từ thiện nên đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến nay, Pú Tửu được công nhận là bản văn hóa. Cũng theo ông Ngô Minh Cương, năm nào chính quyền địa phương cũng xây dựng “Quỹ vì người nghèo” để trao tặng cho các gia đình nghèo ở Pú Tửu giúp bà con đón Tết no đủ, ấm áp hơn.
Từ chỗ biệt lập với thế giới bên ngoài, ngày nay người Khơ Mú ở Pú Tửu đã hòa nhập với truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Có một điều trở thành nét đẹp của người dân Pú Tửu, trong những ngày Tết hầu hết mọi người trong bản đều cùng nâng ly uống rượu, chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Sau mỗi dịp Tết, mọi người trong bản lại càng đoàn kết hơn, tình cảm bản làng càng chan hòa, bền chặt.
Minh Thịnh - Hải An