Ảnh: vietnamtourism.com |
Mọi người đến thăm nhà nghệ nhân ưu tú A Lít tại thôn 2, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) để tận mắt chiêm ngưỡng “cây đàn tình yêu” - K’Ni chế tác bầu cộng hưởng được bọc từ da cóc. Theo lời nghệ nhân A Lít, cây đàn này là một kỷ vật, bởi ông lấy được vợ cũng nhờ cây đàn này.
Kết cấu của đàn K’Ni khá lạ, đầu trên và đầu dưới của thân đàn được làm từ các thanh gỗ hương khắc hoa văn, nối với nhau bằng ống nứa. Thân đàn K’Ni được làm từ ống nứa dài khoảng 50-60cm có gắn các phím bấm. Các phím bấm này được kết dính vào với thân đàn bằng nhựa thông. Đàn chỉ có một dây chạy dọc theo thân đàn đi qua các phím bấm. Dây đàn được bện bằng vỏ cây Se Jrung của rừng già Kon Tum, dây chạy từ đầu thân đàn đến cuối thân đàn và để dư ra một khoảng dài khoảng 20cm nối với bầu cộng hưởng. Đàn K’Ni kéo ra âm thanh nhờ một thanh cật nứa được nghệ nhân cọ trực tiếp vào dây đàn.
Khi kéo đàn, nghệ nhân A Lít ngồi như thế ngồi kéo đàn bầu, chân phải giữ bầu cộng hưởng, tay trái giữ thân đàn và bấm phím, tay phải đong đưa thanh cật nứa ra những âm thanh réo rắt, trầm bổng nhưng mang đầy tâm sự của một thời trai tráng.
Vừa kéo đàn, ông A Lít vừa kể về cái thời ông “tán tỉnh” vợ bằng tiếng đàn K’Ni này. Ngày ấy, chàng trai A Lít để ý cô Y Linh ở rẫy bên cạnh nên mỗi lần lên làm rẫy, chàng đều ở lại trên lán và vào giờ nghỉ trưa hay đêm khuya, A Lít lại lấy đàn K’Ni do chính tay mình làm ra đàn một số bản nhạc dân ca Ba Na rồi hát những khúc tình ca Tây Nguyên huyền thoại. Y Linh như thấu hiểu lòng chàng trai mà mình trộm yêu thầm nhớ bên kia rẫy qua tiếng “đàn tình yêu” nỉ non từng ngày. Nhiều mùa trăng trôi qua, ông bà đã bén duyên chồng vợ. Đến nay, hai ông bà vẫn thầm cảm ơn chiếc đàn ngày ấy.
Hiện nay, đàn K’Ni được dùng trong các lễ hội của làng như mừng công, báo công hay trong các sinh hoạt hằng ngày của người Ba Na như hát ru con, những lúc nghỉ trưa trong mùa rẫy hoặc các chàng trai đệm hát khi "tán tỉnh" các cô gái trong làng. Có khi, đàn K’Ni còn được dùng đệm cho các bài sử thi, hát kể… Tuy nhiên, giờ chỉ còn một số nghệ nhân trong tỉnh Kon Tum biết cách chế tác và chơi loại nhạc cụ Tây Nguyên này.
Hồng Điệp