Một buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Huổi Lè, xã Mường Lạn (Sốp Cộp – Sơn La) không thể thiếu điệu múa áu eo. Người Khơ Mú gọi điệu múa này là điệu múa “Viêng Ver Guông”- (tiếng dân tộc Khơ-mú), còn người Thái gọi là áu eo (tiếng dân tộc Thái). Đây là điệu múa lắc hông, múa lượn eo, được mô tả theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của con người như: gặt lúa, xúc tép, làm cỏ...
![]() |
Ảnh: internet |
Múa Áu eo có nhiều bài như: múa mừng Đảng, mừng xuân, múa áu eo tăng bu, múa xòe vòng. Trong những đêm trăng sáng, phụ nữ Khơ Mú còn múa áu eo để chơi trăng.
Múa áu eo là điệu múa rất khó, nó đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, linh hoạt của nhiều động tác trên cơ thể như: lên, xuống, uốn lượn, lắc ngang từ chân đến tay, bụng... Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên với đầy sức sống dồi dào, người múa dường như hòa mình cùng với nhịp của tiếng chiêng, trống, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi Tây Bắc, quên đi những lo âu của cuộc sống vất vả hằng ngày.
Đối với người Khơ Mú, múa áu eo là thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, các điệu múa liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa. Theo lời chị Màu Thị Nen, dân tộc Khơ Mú thì: “Múa áu eo của dân tộc Khơ Mú có từ rất lâu đời. Từ lúc mới sinh ra đến nay đã hơn 40 tuổi, tôi cũng đã được thấy, được thưởng thức và được múa những điệu múa áu eo vào những dịp lễ, tết, hội hè trong bản. Hiện ở bản tôi đã thành lập một đội văn nghệ với nhiều bài múa áu eo đặc sắc. Đội văn nghệ thường tổ chức giao lưu với các dân tộc khác ở trong xã, thậm chí còn sang giao lưu văn hóa,văn nghệ với các DTTS của nước bạn Lào”.
Ở bản Huổi Lè, xã Mường Lạn hiện nay, ngoài những đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng, người Khơ Mú còn biểu diễn múa áu eo thành từng đêm riêng, thu hút nhiều người đến thưởng thức. Múa áu eo không chỉ được các diễn viên múa không chuyên thể hiện trong các dịp văn nghệ quần chúng, mà còn được lồng ghép vào các cuộc hội họp của các tổ chức, đoàn thể.
Tuy nhiên, có một thực tế là những điệu múa dân gian của dân tộc Khơ Mú đang có nguy cơ thất truyền. Lớp nghệ nhân giỏi ngày càng già đi, nhiều người ra đi mang theo những bài múa độc đáo. Nguy cơ mai một những điệu múa dân gian như áu eo, tăng bu là rất lớn.
Ông Moòng Văn Thơn, Trưởng bản Huổi Lè, một trong những người dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy điệu múa áu eo cho biết: Để giữ gìn điệu múa truyền thống này, các nghệ sĩ của bản đã dành nhiều thời gian, công sức để truyền nghề cho lớp trẻ và những người yêu thích điệu múa áu eo. Qua đó, giáo dục cho lớp trẻ biết yêu quý, trân trọng, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Ông Thơn cho biết thêm: “Thế hệ người già chúng tôi rất trăn trở với việc bảo tồn không chỉ những điệu múa mà tất cả những di sản liên quan đến dân tộc Khơ Mú. Chúng tôi mong rằng, lớp trẻ sẽ hiểu được những giá trị truyền thống của dân tộc mình qua đó có ý thức bảo tồn văn hóa của dân tộc trước nguy cơ mai một”.