Xét về nguồn gốc, bún cá không phải là món ăn của người Việt mà du nhập từ Campuchia. Trải qua thời gian cũng như sự “biến tấu” trong thành phần, gia vị nên ngày nay, bún cá trở thành món ăn thân quen, đặc trưng của người dân miền Tây. Có thể kể ra nhiều thương hiệu: Bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang, bún cá Long Xuyên, bún cá Châu Đốc,... Trong những “thương hiệu” kể trên thì bún cá Châu Đốc nổi tiếng hơn cả, vì món ăn giữ được gần như trọn vẹn hương vị nguyên sơ của bún cá. Từ đó, ai về miền Tây, ghé thăm An Giang mà không một lần dùng thử tô bún cá Châu Đốc thì xem như chưa đến với An Giang. Bún cá Châu Đốc không khó chế biến, từ những nguyên liệu chỉ có ở miền Tây, tô bún cá Châu Đốc lại mang đặc trưng riêng của xứ Châu Đốc. Thành phần món bún cá rất đơn giản với cá lóc, nước lèo và bún tươi, nhưng sự hấp dẫn của món ăn đến từ màu sắc và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Món bún cá ngon đòi hỏi phần nước lèo phải trong, có vị ngọt từ xương cá, đậm đà vị ruốc và quan trọng hơn nữa, đó là không tanh mùi cá. Vì thế, nhất định người chế biến phải chọn loại cá lóc còn tươi sống, khoảng 400gr/con thì khi nấu, thịt cá mới ngon và ngọt. Cá sau khi mua về làm sạch, đầu cá được cắt rời nhưng vẫn giữ nguyên bộ lòng, cho vào nồi luộc chín với một ít sả và củ nghệ đập dập.
Bún cá Châu Đốc - món ngon khi đến với miền Tây
|
Khi ấy, nước dùng sẽ có màu vàng đẹp mắt và không có mùi tanh của cá. Cá luộc chín vớt ra, khéo léo gỡ hết phần xương. Ướp phần thịt cá với một ít gia vị, cho lên chảo xào sơ qua với nghệ để thịt cá vừa săn lại, vừa có mùi thơm cùng màu vàng hấp dẫn. Cá sau khi vớt ra, phần nước dùng để nấu nước lèo. Tuy nhiên, để nước ngọt và đậm đà, người nấu thường sử dụng xương ống heo để hầm, vừa hầm, vừa hớt bọt để nước dùng trong và có vị ngọt thì vớt xương ống ra. Nước lèo được lắng cặn, chắt qua một nồi khác và đun sôi. Gia vị để nêm gồm: Mắm cá linh, mắm ruốc hòa tan và lược bỏ xác. Ngải bún, củ nghệ giã nát cho vào chén nước lèo hòa tan rồi lược bỏ xác. Cho cả hai hỗn hợp trên vào nồi nước lèo đang đun sôi, nêm lại gia vị đậm đà cùng hương thơm thoang thoảng đặc trưng của món ăn là được. Rau ăn kèm bún cá cũng rất phong phú: Rau muống bào, bắp chuối non, giá, rau nhút,... và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi nhưng chỉ khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này. Bún tươi được trụng nước sôi rồi xếp cá vào tô, sau đó chan nước lèo ngập mặt bún. Ngoài ra, khi ăn bún cá, không thể thiếu một chén muối ớt và chanh. Đây cũng là điểm riêng làm cho món bún cá thêm hấp dẫn. Tô bún cá Châu Đốc mang đầy đủ hương vị của miền sông nước, từ vị cá tươi và những loại rau dân dã thật khoái khẩu, khiến ta dù đã no mà vẫn thòm thèm muốn ăn thêm. Bún cá Châu Đốc là món ăn lành, thực khách có thể ăn vào bữa điểm tâm, bữa trưa hay chiều tối đều thích hợp và ngon miệng. Khi xa quê, những người con của mảnh đất An Giang khó mà quên được hương vị của tô bún cá Châu Đốc. Vì vậy, khi lập gia đình và làm việc ở Long An, nhiều lúc, tôi nhớ da diết mùi vị tô bún cá Châu Đốc. Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, dân cư vào lập nghiệp ở Long An ngày càng nhiều, trong đó có không ít người dân An Giang. Vì vậy, họ còn mang theo cách chế biến món bún cá Châu Đốc danh tiếng. Điều đó giúp những người con xa xứ dễ dàng thưởng thức tô bún cá Châu Đốc trên đất Long An để vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Ở Long An, hiện vài nơi bán bún cá mang thương hiệu Châu Đốc. Theo nhiều người thưởng thức, hương vị tô bún chẳng khác nào bún cá ở Châu Đốc, từ nước lèo, miếng cá cho đến rau ăn kèm cũng không có gì thay đổi. Đối với những người con An Giang trên đất khách, tô bún cá Châu Đốc không chỉ tạo cảm giác ngon miệng mà còn tạo nên sự thân quen và ấm lòng những người con xa xứ.
Theo tintucmientay.baoangiang.com.vn