Đắk Lắk, từ vùng chuyên canh đến "thủ phủ" cà phê thế giới

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với 212.915 ha. Trong định hướng phát triển các dòng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, Đắk Lắk đang hiện thực hóa lộ trình đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm, trở thành điểm đến của cà phê thế giới…

_P1A1259cp1.jpg
Đắk Lắk là vùng đất của những vườn cà phê bạt ngàn với hoa cà phê trắng muốt vào mỗi đợt tháng 3 và đỏ rực trái cà phê chín mọng trĩu cành vào vụ thu hoạch. Những hạt cà phê Robusta nơi đây có phẩm chất khác biệt nhờ sinh trưởng trên đất đỏ bazan 160 triệu năm, tưới nước sông Sêrêpok, K'rông Ana, K'rông Nô... và tâm huyết của người dân vùng đất Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trọng Chính

Từng bước định vị thương hiệu

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê đặc sản (Specialty Coffee) là những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Ban đầu, cà phê đặc sản chỉ áp dụng cho cà phê Arabica (tiêu chuẩn của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới) nhưng đến nay, cà phê đặc sản đã áp dụng cho cả cà phê Robusta (tiêu chuẩn của Viện chất lượng cà phê thế giới).

1-le dinh tu-chu ca phe-dak lak-tuan anh.jpg
Ông Lê Đình Tư, chủ trang trại Aeroco Coffee ở thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra chất lượng cà phê đặc sản. Ảnh: Tuấn Anh
2-loai ca phe khong dam bao de lam ca phe dac san-dak lak-tuan anh.jpg
Nhân công loại bỏ trái cà phê xanh để đảm bảo nguyên liệu làm cà phê đặc sản. Ảnh: Tuấn Anh
3-ca phe dac san xuat khau-dak lak-tuan anh.jpg
Cà phê đặc sản của trang trại Aeroco Coffee đã có mặt ở thị trường các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc. Ảnh: Tuấn Anh
4-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Đa dạng sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột dưới dạng thành phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Nhật Anh
5-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Cách pha cà phê bằng bình Syphon giúp bạn pha được ly cà phê hấp dẫn, hương vị khác biệt với cách pha khác. Ảnh: Nhật Anh

Từ năm 2019 đến nay, Đắk Lắk đã tổ chức 5 "Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam - Vietnam Amazing Cup" với sự thẩm định của những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, trong đó có gần 200 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản với nhiều mẫu cà phê có hương vị đặc sắc.

Qua đó, củng cố vị thế mới của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và khiến thị trường cao cấp trên thế giới phải chú ý đến cà phê Buôn Ma Thuột. Hiện doanh nghiệp tại Đắk Lắk đã xuất khẩu thành công nhiều lô hàng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á.

9-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Những quán cà phê với không gian truyền thống giúp du khách thưởng thức, tìm hiểu sâu về cà phê cũng như đời sống văn hóa của người dân bản địa. Ảnh: Nhật Anh
7-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Quy trình kiểm tra nguyên liệu cà phê khi nhập vào được thực hiện tại Tập đoàn An ThaiGroup. Ảnh: Nhật Anh
8-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Đến nay, cà phê đặc sản đã áp dụng cho cả cà phê Robusta (tiêu chuẩn của Viện chất lượng cà phê thế giới). Ảnh: Nhật Anh

Theo ông Lê Đình Tư, chủ trang trại Aeroco Coffee ở thành phố Buôn Ma Thuột, một trong những người tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm sản xuất các dòng cà phê đặc sản, điều kiện quan trọng để tạo ra những loại cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản là hệ sinh thái đa tầng giúp cây phát triển tự nhiên cùng với quy trình quản lý khoa học và nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến…

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nhấn mạnh: "Xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê của thế giới trên cơ sở thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với các giá trị cốt lõi như: thành phố của cà phê Robusta đặc sản ngon nhất thế giới; trung tâm nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ về cà phê, lưu giữ và phát triển nguồn gen cà phê Robusta lớn nhất thế giới; nơi hội tụ các xu hướng tiêu dùng cà phê thế giới cũng như lưu trữ, duy trì truyền thống tiêu dùng cà phê lâu đời của các dân tộc bản địa… Chính những giá trị này sẽ góp phần định vị thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột là thành phố cà phê của thế giới".

Tranh thủ thời cơ

Để góp phần xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cà phê đặc sản của địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tại 8 tỉnh, thành phố.

Đắk Lắk sẽ phát triển cà phê Robusta đặc sản tại 5 xã thuộc 3 huyện, thành phố, gồm: huyện Krông Năng (xã Ea Tân, Ea Toh); huyện Krông Pắc (xã Hòa An, Ea Yông) và thành phố Buôn Ma Thuột (xã Ea Tu) với tổng diện tích khoảng 1.060 ha vào năm 2025 và 2.120 ha vào năm 2030; sản lượng dự kiến khoảng 1.500 tấn vào năm 2030.

6-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Ngành cà phê Việt Nam đang thực hiện phát triển chuỗi cung ứng cà phê từ người nông dân đến nhà rang xay theo tư duy kinh tế liên kết, hợp tác. Ảnh: Nhật Anh
10-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Đoàn cán bộ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tham quan mô hình cà phê tại Hợp tác xã nông nghiệp bền vững Cư Suê, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk). Ảnh: Nhật Anh
11-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Thương hiệu Simexco của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã được bảo hộ tại thị trường Mỹ qua USPTO - Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ. Ảnh: Nhật Anh
12-ca phe dac san-dak lak-phan nhat anh.jpg
Một chuyến hàng được đóng container trực tiếp để xuất khẩu sang Mỹ của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Ảnh: Nhật Anh

Vừa qua, Chính phủ cũng ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định đến năm 2050 Đắk Lắk là tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn, thành phố Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê thế giới".

Có thể thấy, Đắk Lắk đang đứng trước cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới khi nhận được sự quan tâm của Trung ương trong phát triển ngành hàng cà phê. Đồng thời, sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang được doanh nghiệp, người trồng cà phê quan tâm phát triển để góp phần định vị thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên "bản đồ" cà phê thế giới cũng như hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Tuấn Anh

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)