Ngày 8/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố Buôn du lịch cộng đồng buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Tại Lễ công bố, đại biểu và nhân dân, du khách được thưởng thức các tiết mục: diễn tấu cồng chiêng, hát múa Hoa đẹp Chăm Pa, múa Lăm vông, diễn tấu nhạc cụ dân tộc Lào; tham gia nghi thức cột chỉ tay và chúc sức khỏe, cầu may mắn của dân tộc Lào; trồng cây làm đẹp cảnh quan; tham quan các sản phẩm OCOP của huyện Buôn Đôn; cắt băng khai trương Buôn du lịch cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Buôn trưởng buôn Trí cho biết, được thành lập năm 1977, buôn hiện có 117 ngôi nhà sàn, 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Buôn có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, các hộ dân nhiệt tình với du khách, sở hữu nhiều nét văn hóa đặc trưng lâu đời, giao thoa, cùng phát triển của các dân tộc Lào, Ê Đê, Kinh, M’nông, Jrai…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, huyện Buôn Đôn có vị trí chiến lược quan trọng trong không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh Đắk Lắk; có đường biên giới dài khoảng 45 km giáp Vương quốc Campuchia. Huyện có nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng và độc đáo của 18 dân tộc anh em, là vùng đất có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, lễ hội cồng chiêng, lễ hội truyền thống văn hóa các dân tộc, Hội voi Buôn Đôn, Tết cổ truyền Bunpimay - Tết Lào…
Huyện Buôn Đôn còn có những điểm đến hấp dẫn, mang vẻ đẹp sinh thái, văn hóa, lịch sử; là vùng đất huyền sử, nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bên cạnh đó, Buôn Đôn có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng, hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp với những dòng sông xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và các khu vực rừng nguyên sinh, tạo nên Vườn Quốc gia Yok Đôn, thác Bảy nhánh, hồ Dak Minh…
Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là một trong những buôn phát triển du lịch của huyện, lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng, có xu hướng phục hồi và phát triển. Từ tiềm năng và thế mạnh, mong muốn của người dân địa phương, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chọn buôn Trí để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Việc hỗ trợ, đầu tư du lịch cộng đồng cho buôn Trí nhằm tạo điều kiện cho đồng bào trong buôn thay đổi cuộc sống, nâng cao thu nhập; phục dựng và gìn giữ các lễ hội truyền thống; bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa Lào nói riêng, văn hóa các dân tộc nói chung; thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm; quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư cho buôn Trí. Địa phương cần phát huy tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư trong việc quản lý, khai thác từ du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch an toàn, văn minh; tăng cường thu hút đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Hoài Thu