Lấy cộng đồng làm trung tâm để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Du lịch cộng đồng mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư, góp phần hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của mỗi vùng đất, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

vna_potal_ha_giang_phat_trien_du_lich_cong_dong_dung_huong_hieu_qua_ben_vung_6659995.jpg
Du khách tham quan, lưu trú tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Phát triển bền vững từ cộng đồng

Các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hướng tới bền vững rất cần được thúc đẩy xây dựng, đặc biệt đưa cộng đồng vào tham gia phát triển du lịch một cách bền vững.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh chia sẻ: Muốn phát triển du lịch cộng đồng thì vai trò của lãnh đạo địa phương và sự tham gia của cộng đồng là quan trọng. Chúng ta cần lựa chọn điểm phát triển du lịch cộng đồng chính xác, lấy giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng con người làm gốc thì du lịch cộng đồng mới phát triển bền vững, thu hút được du khách, phát triển sinh kế bền vững.

Ở Hòa Bình có điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng là bản Lác (huyện Mai Châu), được khai thác từ lâu và đã trở thành là nguồn thu nhập chính của người dân. Đây cũng là địa điểm đầu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi phía Bắc nước ta.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, nơi đây còn ở bản sắc văn hóa truyền thống của 121 hộ đồng bào dân tộc Thái. Từ du lịch và nhờ du lịch, năm 2019, thu nhập bình quân của người dân bản Lác đã đạt 27 triệu đồng/người/năm. Nhiều gia đình chuyên làm du lịch còn có doanh thu trên dưới 300 triệu đồng/năm. Từ mô hình này, Hòa Bình đã phát triển nhiều mô hình du lịch cộng mang lại sinh kế cho người dân.

Người dân A Lưới (Thừa Thiên – Huế) chính thức tham gia du lịch cộng đồng từ năm 2018, góp phần nâng cao đời sống. Từ những công việc hàng ngày, người dân đã tạo ra sản phẩm “Một ngày làm người Paco” mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách và nguồn lợi cho địa phương. Điều này đã tạo động lực để người dân tiếp tục tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm. Các đơn vị lữ hành đã đưa A Lưới vào lịch trình tour phục vụ khách. Chính quyền địa phương đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến từ các đơn vị du lịch. Đến nay, sản phẩm du lịch, hạ tầng dịch vụ ở A Lưới ngày hoàn thiện, đa dạng, phong phú hơn. Nơi đây đã trở thành một điểm đến được du khách ưa thích lựa chọn.

Một điển hình xây dựng phát triển du lịch cộng đồng không thể không nhắc đến là bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, có cảnh đẹp, bản nằm bên cạnh suối và giữa cung đường khám phá du lịch từ thành phố Điện Biên Phủ đến ngã ba biên giới A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Bản làng nơi đây mới chính thức đón khách từ cuối năm 2022, mang lại giá trị cho cộng đồng, quảng bá nét đẹp làng quê đến du khách, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho người dân, thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững.

Điều quan trọng là nơi đây có sự song hành và chỉ đạo của lãnh đạo xã, huyện, đồng bào các xã, thôn khác cùng hỗ trợ xây dựng bản làng du lịch cộng đồng. Với 7 ngày ngắn ngủi từ khảo sát, đánh giá cho đến quyết định làm, người dân thể hiện tính cộng đồng gắn kết rất cao. Có những ngày số người dân đến hỗ trợ xây dựng bản làng du lịch lên tới gần 500 người.

Sau 7 ngày, người dân đã phục dựng lại 10 cọn nước, biểu tượng đi sâu vào tiềm thức của đồng bào Tây Bắc, khu vực ăn uống, tiệc ngoài trời bên suối, khu vực chòi nghỉ ngơi và chính thức tập sự đón khách, ngày đầu đón gần 300 người. Đến cuối 2023, tức là sau một năm hoạt động, bản du lịch cộng đồng Nà Sự đã thu hút trên 5.000 du khách - con số ấn tượng với 1 bản xa xôi, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 100km.

Giảm áp lực quá tải ở trung tâm du lịch

Du lịch cộng đồng là một loại hình chủ đạo được khẳng định cần đẩy mạnh trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 để phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng.

Đặc biệt, du lịch cộng đồng đang góp phần làm giảm áp lực quá tải tại những trung tâm du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh thông tin: Mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển tại nhiều địa phương như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... và cả các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến năm 2020, cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm thực hiện du lịch cộng đồng. Nhiều điểm đến đã đạt được tiêu chuẩn nhất định và giành được giải thưởng quốc tế. Có thể kể đến Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023 được trao cho Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Quản Bạ (tỉnh Hà Giang); Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu); Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (tỉnh Quảng Nam); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên)...

Mới đây, làng Tân Hóa ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023”, điểm đến lý tưởng của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Đến Tân Hóa, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp hoang sơ của làng quê yên bình mà còn được khám phá hệ thống hang động Tú Làn gồm 10 hang động khác nhau với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo. Từ một làng quê chịu nhiều thiên tai, bão lũ, Tân Hóa đã từng bước tạo hình ảnh trên bản đồ du lịch với hướng đi, cách làm độc đáo, phù hợp xu hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Du lịch cộng đồng ở nước ta đã thể hiện được vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành, huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan. Nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đang được khai thác. Đó là du lịch trải nghiệm các hoạt động văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân tại địa phương, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng tại cộng đồng...

Các sản phẩm du lịch cộng đồng khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương, trong đó các yếu tố quan trọng như tài nguyên văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp - yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt, tính hấp dẫn của sản phẩm. Du lịch cộng đồng hiện nay gồm nhiều hoạt động khác nhau như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch sức khỏe...

Nhiều địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng bởi diện tích đất nông lâm nghiệp hệ sinh thái đa dạng, nhiều làng nghề truyền thống cùng bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng, mang lại hiệu quả tích cực.

Dù vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng cần được các địa phương quan tâm hơn nữa, tránh sự trùng lắp, đơn điệu về sản phẩm, khai thác quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, làm ảnh hưởng đến môi trường. Quan trọng hơn cả là cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển bền vững loại hình du lịch này.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm