Từng là “điểm nóng” của thuốc phiện và nghèo đói nhưng sau hơn 20 năm, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) đã lột xác, trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch cộng đồng. Đây thực sự là một kỳ tích mà không phải bản làng nào cũng làm được…
Bản biên giới Sin Suối Hồ hiện có 148 hộ dân với trên 700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo lời kể của già làng, trước năm 1995, đây là vùng trồng cây thuốc phiện với số người mắc nghiện cao, đời sống đồng bào chật vật, khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 100%.
Thấy cuộc sống vất vả, người có uy tín cùng Bí thư, trưởng bản… đã đến từng nhà vận động, đưa người nghiện lên các lán trại trên nương, trên rừng cô lập để cai nghiện ma túy. Kéo dài suốt 10 năm sau đó, cuối cùng, bản làng cơ bản từ bỏ được thuốc phiện và tập trung phát triển kinh tế. Ông Hảng A Xà, một người có uy tín trong bản cho biết, tưởng không còn tương lai nhưng với sự giúp sức của chính quyền, sự quyết tâm của cộng đồng, cuộc sống của các hộ đồng bào nơi đây đã thay đổi rõ rệt.
Cai nghiện thành công, cộng đồng người Mông trong bản đã từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế và làm du lịch cộng đồng. Sau nhiều nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, đến năm 2015, bản được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Tiếp đó, năm 2020, bản được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là một trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam. Đặc biệt, tháng 02/2023, tại Diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ của Việt Nam đã được ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.
Bản Sin Suối Hồ hiện có 20 hộ làm dịch vụ homestay, bungalow, 6 hộ làm dịch vụ ăn uống… với sức chứa trên 300 du khách/ngày, đêm. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm bản đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm, thu nhập hơn 20 triệu đồng/người/ năm. Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Thổ cho biết: “Từng khó khăn chồng chất, đói nghèo quanh năm nhưng sau hơn 20 năm, bản đã thay da đổi thịt, vươn lên làm giàu. Đây là kỳ tích mà không phải bản làng nào cũng làm được”.
Từ “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa đặc sắc, với cách làm bài bản, ý thức và tác phong chuyên nghiệp của đồng bào nơi đây, Sin Suối Hồ đã thực sự trở thành “điểm sáng” về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu.
Việt Hoàng