Đặc sắc những điệu múa của người Triêng

Đặc sắc những điệu múa của người Triêng
Qua dòng chảy thời gian, đồng bào Triêng ít nhiều còn lưu giữ những nét văn hóa của dân tộc Lào, rồi từ đó sáng tạo thêm những điệu múa phục vụ trong tín ngưỡng dân gian. Người Triêng dù là nam hay nữ đều biết múa trước khi trưởng thành. Những điệu múa dân gian của người Triêng thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Mỗi điệu múa Triêng chứa đựng tâm hồn, tình cảm và thể hiện ước muốn của đồng bào về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Trong nghi lễ hiến trâu của người Triêng không thể thiếu điệu múa za zá (người Triêng gọi là múa tỉa hạt giống). Cùng với trống, cồng chiêng được xướng lên, trong âm thanh đinh tút trầm bổng véo von, điệu za zá được múa mở màn cho nghi lễ.

Những người già nghiêng mình đánh cồng chiêng; đàn ông, thanh niên bắt nhịp dịch chuyển theo để thổi sáo đinh tút; các bà, các chị thì hai tay co lại chụm bên hông bụng, hai chân hơi nhún về phía trước bắt đầu xoay từ bên trái sang phải theo vòng tròn, khi quay bên nào thì chân bên đó luôn phối hợp cùng hai cánh tay một cách nhịp nhàng.

Những thiếu nữ Triêng khi múa za zá thì đưa hai tay lên ngang ngực, ngửa ra, tâng lên tâng xuống một cách nhẹ nhàng đều đặn; những động tác cúi đầu, chắp tay trước ngực chào khách thể hiện khá rõ nét giống điệu múa Lăm Vông của người Lào.
 
Những động tác múa za zá của phụ nữ Triêng có nhiều chi tiết giống điệu múa Lăm Vông của người Lào.
Những động tác múa za zá của phụ nữ Triêng có nhiều chi tiết giống điệu múa Lăm Vông  của người Lào.

Kpiêu zực zăil là điệu múa tập thể nam nữ Triêng, theo tiếng Triêng có nghĩa là múa bắt cá. Theo đó, nam nữ kết hợp thành một vòng tròn theo nhịp trống chiêng, hòa cùng âm thanh đinh tút ngân nga với đôi bàn tay của phụ nữ Triêng như để úp bắt cá. Động tác này vừa mô phỏng việc tìm kiếm nguồn thực phẩm vừa thể hiện sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên cây cỏ và con người.

Khi múa kpiêu zực zăil, người múa bước chân quay mặt theo hướng vòng tròn từ trái sang phải và ngược lại. Sự cách điệu trong các động tác thể hiện và sự di chuyển hợp lý tạo ra đội hình rất đẹp và hiệu quả biểu đạt rất cao. Đội hình múa kpiêu zực zăil thường xuyên thay đổi, có khi là vòng tròn, có khi di chuyển thành hai hàng ngang, hàng dọc và có khi tạo thành đôi một.

Đa số bước cơ bản của kpiêu zực zăil là bước chân thẳng của nam nữ Triêng di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ để phục vụ sự vận động tiến lên và lùi xuống. Dù thường xuyên thay đổi nhưng cuối cùng đội hình múa trong điệu kpiêu zực zăil vẫn trở về lại vòng tròn, bởi người Triêng quan niệm rằng vòng tròn thể hiện sự đoàn kết của cả cộng đồng.
 
Điệu múa kpiêu zực zăil (múa bắt cá) của người Triêng.
Điệu múa kpiêu zực zăil (múa bắt cá) của người Triêng.

Ngoài hai vũ điệu trên, người Triêng còn nổi tiếng với điệu túk chêm hoong (mừng được mùa), một điệu múa tập thể kết hợp giữa nam nữ. Điều dễ nhận thấy nhất của túk chêm hoong là từng động tác múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, duyên dáng với những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng. Đây là vũ điệu mang tính cộng đồng, động tác có vẻ đơn giản nên ai cũng có thể hòa nhịp. Tuy nhiên, đôi tay của phụ nữ Triêng phải đưa lên đúng nhịp chiêng, đôi chân bước theo đúng nhịp của những bài sáo đinh tút.

Vũ điệu mở đầu và kết thúc không theo một khuôn định, có thể kéo dài và kết thúc tùy thuộc vào không khí của lễ hội. Trong quá trình múa, các thiếu nữ Triêng còn cầm theo bông lúa hoặc các loại nông sản khác nhằm tượng trưng cho sinh hoạt kinh tế nông nghiệp của cư dân Triêng.

Trải qua bao năm tháng, những điệu múa của tộc người Triêng đã trở thành nét văn hóa quý báu, là niềm tự hào của người Triêng. Để giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ngày nay các già làng, nghệ nhân dân gian người Triêng ở Nam Giang (Quảng Nam) vẫn dạy lớp trẻ trong buôn làng các điệu múa truyền thống và duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm