Quan lang (người đứng) kính trình tổ tiên và hai họ thực hiện các nghi lễ tại một đám cưới người Tày ở huyện Trùng Khánh. Ảnh: Hoàng Chuyên |
Khi thấy đoàn nhà trai đến, nhà gái thường bày các nghi thức, như: Căng dây chặn trước cửa; mời rửa chân mới cho vào nhà; trải chiếu ngược; chào mâm bàn... Như tình huống khi đoàn nhà trai đến cách nhà gái khoảng 15 - 20 m, nhà gái căng dây hoặc chỉ hồng không cho nhà trai đi qua. Nhà gái cất lời hát: Mây nẩy làn nắm đảy quá pây/Cần rại rụ cần đây xam rọ/Giử quan lang khươi mẩư mà rặp lùa/Gạ ngày khỏi khay ngay mây hẩng... Tạm dịch: Chỉ này chăng cấm người qua lại/Người tốt người xấu hỏi rõ ràng/Phải quan lang nhà rể mới về đón dâu/Nói thật tôi mở ngay chỉ hồng cho qua. Quan lang đáp lại: Pá mé lục khươi dắng vàn ngo/Tang rườn mà hất quan lang/Khỏi mì pác kin mì pác kiảng/Sliểu ma ao méo tang khảu ròi/Khỏi xo pỉ noọng lần khay mây/Rẳp khươi mấư khảu rườn hất lệ... Tạm dịch: Bố mẹ chú rể có mời tôi/Thay mặt gia đình làm quan lang/Tôi có miệng ăn không có miệng nói/Cũng đành cả nể phải nhận lời/Nhưng tôi xin chị em mở chỉ hồng/Đón rể mới vào nhà làm lễ...
Khi đã vượt qua các “chướng ngại vật” của nhà gái để vào nhà, hai bên thông gia trực tiếp gặp gỡ và thực hiện các nghi lễ. Quan lang sẽ hát ứng với từng hành động, nghi thức theo trình tự để chú rể mới làm lễ, như: Quan lang mời nhà gái kiểm lễ; xin trình tổ tiên, từ đường; mời tổ tiên chứng giám; chúc phúc thông gia nhà gái; tỏ lòng biết ơn công sinh thành của bố mẹ cô dâu; xin cho con rể được mời nước cha mẹ, họ hàng... Ngoài ra, tùy hoàn cảnh của gia đình cô dâu, quan lang còn có những bài tạ ơn anh chị cô dâu, phù dâu và những người giúp gia đình nhà gái tổ chức đám cưới rất chu đáo. Những lời hát của quan lang để chú rể trình tổ tiên rất trang trọng: Xo kính trình quý họ tông thân/Khỏi tái khươi mà thâng rườn giá/Hẩư khươi mấư pái dâng khẩn thản/Trình pây thâng chỏ đẳm chang rườn/Đẳm gục lục khươi luôn thúc ý... Tạm dịch: Xin kính trình quý họ tông thân/Tôi đã đưa lang tân nhập hộ/Cho rể hiền bái tạ lên tiên tổ/Để tổ tiên nhận con của nhà ta/Phù hộ hai con thành gia thất. Hay những lời căn dặn mang tính giáo dục vợ chồng mới cưới: Mìa đá phua nhận tâm đắc chỉ/Phua đá mìa đắc đỉ hết đây/Xong dá tẻo au phầy mà tó/Vạ căn tẻo tẳng mỏ hung hạng/Kin xong tẻo sùa căn hết việc... Tạm dịch: Vợ chửi chồng nhận tâm đắc chí/Chồng chửi vợ lặng lẽ làm lành/Xong vào bếp nhóm nhành củi lửa/Lại cùng nhau nấu nướng cơm ăn/Ăn xong lại cùng nhau làm việc... Khi đón dâu “lồng lảng” (xuất giá) về nhà chồng, quan lang chân thành bày tỏ mong muốn của nhà trai: Giờ nguyệt tiên đây mà thâng giá/Giờ nẩy khỏi xo au lùa lồng lảng/Au mừa sle họ hàng dồm lùa/Au mà sle kế thế phụng thờ... Tạm dịch: Giờ nguyệt tiên đẹp nhất đã tới/Giờ là lúc tôi xin dâu xuất giá/Đón về cho họ hàng cùng xem/Đón về để kế thừa phụng thờ gia đình...
Đón được cô dâu mới về đến nhà trai, quan lang lại tiếp tục hát những bài ca để cô dâu được làm lễ bái tổ tiên và nhập môn gia đình chú rể; chúc phúc nhà trai lấy được dâu tốt; chúc vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, con cái đủ đầy... Do đó, các bài hát quan lang có độ ngắn, dài khác nhau tùy thuộc vào tình huống, hoàn cảnh nảy sinh. Có những bài chỉ 2 - 4 câu nhưng cũng có bài dài đến trăm câu, chia thành từng phần ứng với lễ thức cụ thể trong đám cưới. Đặc biệt, cùng là dân tộc Tày nhưng với Tày Ngạn, Tày Đeng, Tày Lưu Quan hay ở mỗi địa phương khác nhau: Hòa An, Thạch An, Hà Quảng, Trùng Khánh... lại có sắc thái riêng bởi mỗi người có sự tiếp thu, sáng tạo riêng. Nhưng nét chung hát quan lang đều có nội dung chính: Các nghi thức đám cưới, chỉ bảo, răn dạy, chúc phúc, lời hát thay lời chào xã giao lịch sự... thể hiện tình cảm trân trọng, lối ứng xử tinh tế, tao nhã trong đời sống.