Đa dạng nhạc cụ của người Ê đê

Đa dạng nhạc cụ của người Ê đê
Cồng, chiêng
Cồng chiêng - nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Ê đê
Cồng chiêng - nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt
văn hóa của đồng bào Ê đê

Cồng, chiêng thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn nón quai thao; cồng thường có núm nhỏ ở giữa, còn chiêng không có núm, mặt phẳng hoàn toàn. Người ta dùng dùi bọc một lớp vải để đánh cồng, chiêng trong các lễ hội lớn của buôn làng như Lễ bỏ mả, Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu...

Người Ê đê quan niệm cồng, chiêng là báu vật thiêng, là linh hồn của sự sống và là phương tiện để con người giao tiếp với các thần linh. Văn hóa Cồng chiêng của người Ê đê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Trống
Trống là nhạc cụ phổ biến được sử dụng để thông báo mỗi khi buôn làng có sự kiện quan trọng
Trống là nhạc cụ phổ biến được sử dụng để thông báo mỗi khi buôn làng có sự kiện quan trọng

Trống của người Ê đê được làm từ gỗ, da trâu, có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Để làm được chiếc trống, chủ nhà phải mời già làng, trai tráng khỏe mạnh lên rừng làm lễ xin Yàng cho phép được hạ cây làm trống. Trống được làm từ nguyên một thân gỗ, hai đầu đẽo tạc tròn, nhỏ hơn vùng bụng trống, bên trong thân cây khoét rỗng để làm tang trống cho đến khi đạt độ dày cần thiết thì mới bịt mặt trống bằng da trâu. Trống thường được dùng để thông báo cho các thành viên trong dòng tộc biết gia đình, hay buôn làng có sự kiện lớn diễn ra.

Tù và
Tù và của người Ê đê
Tù và của người Ê đê

Tù và được lấy từ sừng những con trâu to, khỏe hoặc con trâu được làm vật hiến sinh ở Lễ đâm trâu. Một đầu lớn sừng rỗng, đầu nhọn còn lại cắt bớt khoảng 2 - 3 cm để tạo lỗ thổi. Trong khi thổi 1 tay giữ tù và, tay còn lại dùng lòng bàn tay ốp lên đầu rỗng để úp mở tạo ra độ vang âm thanh to nhỏ khi thổi. Tù và chỉ có một âm duy nhất, dùng để tập trung mọi người và xua đuổi muông thú phá hoại mùa màng của gia đình trên nương rẫy.

Ðàn T'rưng
Ðàn T’rưng được làm từ tre nứa, tạo nên âm thanh trầm bổng rất thích thú cho người nghe
Ðàn T’rưng được làm từ tre nứa, tạo nên âm thanh
trầm bổng rất thích thú cho người nghe

Ðàn T’rưng là loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, loại đàn do nhiều ống đàn hợp thành. Các ống đàn được chế tác từ những ống lồ ô khô, có chiều dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Ống đàn gồm hai phần: Ống hơi và thanh cộng hưởng, có quan hệ mật thiết để tạo nên các ống đàn có cao độ chuẩn, âm thanh vang. Đồng bào Ê đê sử dụng đàn bằng cách dùng hai dùi được làm từ gỗ hoặc thanh tre để gõ vào ống sẽ tạo ra những âm thanh thánh thót, lắng dịu dễ nghe.

Đàn T’rưng của người Ê đê có âm sắc không trong, không kêu to, vang xa như cồng chiêng, sáo, chiêng tre…, nhưng dễ đi vào lòng người bởi tiếng đàn mang cái “hồn’’ rừng núi giống với tiếng gió xào xạc trên nương rẫy, tiếng suối chảy róc rách bên bến nước buôn làng. Ðàn T’rưng thường được biểu diễn trong nhà rông hoặc ngoài trời vào các dịp lễ, tết truyền thống hoặc trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Ê đê.

Đing Năm
Ðing Năm, nhạc cụ luôn gắn liền với những điệu hát Ayray trìu lắng của dân tộc Ê đê
Ðing Năm, nhạc cụ luôn gắn liền với những điệu hát
Ayray trìu lắng của dân tộc Ê đê

Ðing Năm gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được sắp xếp trên 2 bè trên vỏ bầu khô, mỗi bè gồm 3 ống, trên ống thanh trúc được khoét mỗi lỗ ở vị trí khác nhau để điều chỉnh thành những nốt nhạc trước khi gắn nối các ông trúc với vỏ bầu. Vỏ bầu được chọn phải là quả bầu đủ độ già, đẹp, không bị sâu bọ chích hút. Phần đầu vỏ bầu phải hơi cong theo hình vòng cung và gắn thêm ống trúc nhỏ thì mới có thể làm được một chiếc Ðing Năm vừa ý. Ðinh Năm thường được đàn ông Ê đê thổi theo điệu hát Ayray và dùng để tiếp đón khách quý hay trong các tang lễ, ma chay.
Theo baodaknong.org.vn
Dân tộc Ê Đê Dân tộc Ê Đê

Tên tự gọi: Anăk Ea Ðê, Ra Ðê (hay Rhađê), ê Ðê, êgar, Ðê.

Nhóm địa phương: Kpă, Adham, Krung, Mđhur, Ktul, Dliê, Hruê, Bih, Blô, Kah, Kdrao, Dong Kay, Dong Mak, Ening, Arul, Hwing, Ktlê, Êpan... 

Dân số: 331.194 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói của người Ê Đê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô-Pôlinêxia (ngữ hệ Nam Ðảo).

Lịch sử: Người Ê Đê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây Nguyên. Dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê Đê đã phản ánh lên từ các sử thi và trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình dân gian. Cho đến nay, cộng đồng Ê Đê vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta.

Hoạt động sản xuất: Người Ê Đê chủ yếu trồng lúa rẫy theo chế độ luân khoảnh. Rẫy sau một thời gian canh tác thì bỏ hoá cho rừng tái sinh rồi mới trở lại phát, đốt. Chu kỳ canh tác khoảng từ 5-8 năm tuỳ theo chất đất và khả năng hồi phục của đất. Rẫy đa canh và mỗi năm chỉ trồng một vụ. Ruộng nước trâu quần chỉ có ít nhiều ở vùng Bih ven hồ Lắc.

Gia súc được nuôi nhiều hơn cả là lợn và trâu, gia cầm được nuôi nhiều là gà, nhưng chăn nuôi chủ yếu chỉ để phục vụ cho tín ngưỡng. Nghề thủ công gia đình phổ biến có nghề đan lát mây tre làm đồ gia dụng, nghề trồng bông dệt vải bằng khung dệt kiểu Inđônêdiêng cổ xưa. Nghề gốm và rèn không phát triển lắm. Trước đây việc mua bán, trao đổi bằng phương thức hàng đổi hàng.

Ăn: Người Ê Đê ăn cơm tẻ bằng cách nấu trong nồi đất nung hay nồi đồng cỡ lớn. Thức ăn có muối ớt, măng, rau, củ do hái lượm, cá, thịt, chim thú do săn bắn. Thức uống có rượu cần ủ trong các vò sành. Xôi nếp chỉ dùng trong dịp cúng thần. Nam nữ đều có tục ăn trầu cau.

Mặc: Trang phục truyền thống là phụ nữ quấn váy tấm dài đến gót, mùa hè thì ở trần hay mặc áo ngắn chui đầu. Nam giới thì đóng khố, mặc áo cánh ngắn chui đầu. Mùa lạnh, nam nữ thường choàng thêm một tấm mền. Ðồ trang sức có chuỗi hạt, vòng đồng, vòng kền đeo ở cổ và tay, chân. Nam nữ đều có tục cà răng-căng tai và nhuộm đen răng. Ðội đầu có khăn, nón.

: Ðịa bàn cư trú chủ yếu hiện nay là tỉnh Ðắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai và miền tây Phú Yên, Khánh Hòa. Ngôi nhà truyền thống của người Ê Đê là nhà sàn dài, kiến trúc mô phỏng hình thuyền với 2 đặc trưng cơ bản là: hai vách dọc dựng thượng thách - hạ thu; hai đầu mái nhô ra. Nhà chỉ có hai hàng cột ngang, kết cấu theo vì cột, không kết cấu theo vì kèo. Không gian nội thất chia ra làm hai phần theo chiều dọc. Phần đầu gọi là Gah, vừa là phòng khách, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cả đại gia đình mẫu hệ. Phần cuối gọi là ôk, dành cho các cặp hôn nhân ở trong từng buồng có vách ngăn bằng phên nứa.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là gùi đan cõng trên lưng bằng đôi quai quàng qua vai. ở vùng Krông Băk phổ biến có loại gùi cao cẳng. Vận chuyển trên bộ thì có voi nhưng không phổ biến lắm.

Quan hệ xã hội: Gia đình Ê Đê là gia đình mẫu hệ, hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con mang họ mẹ, con gái út là người thừa kế. Xã hội Ê Đê vận hành theo tập quán pháp truyền của tổ chức gia đình mẫu hệ. Cả cộng đồng được chia làm hai hệ dòng để thực hiện hôn nhân trao đổi. Làng gọi là buôn và là đơn vị cư trú cơ bản, cũng là tổ chức xã hội duy nhất. Người trong một buôn thuộc về nhiều chi họ của cả hai hệ dòng nhưng vẫn có một chi họ là hạt nhân. Ðứng đầu mỗi làng có một người được gọi là chủ bến nước (Pô pin ca) thay mặt vợ điều hành mọi hoạt động của cộng đồng.

Cưới xin: Người phụ nữ chủ động trong việc hôn nhân, nhờ mai mối hỏi chồng và cưới chồng về ở rể. Khi một trong hai người qua đời thì gia đình và dòng họ của người quá cố phải có người đứng ra thay thế theo tục "nối dòng" (chuê nuê) để cho người sống không bao giờ đơn lẻ, sợi dây luyến ái giữa hai dòng họ Niê và Mlô không có chỗ nào bị đứt theo lời truyền bảo của ông bà xưa.

Ma chay: Khi có người chết thì tục nối dòng phải được thực hiện. Người chết già và chết bệnh thì tang lễ được tổ chức tại nhà rồi đưa ra nghĩa địa thổ táng. Xưa kia có tục người trong một dòng họ chết trong một thời gian gần nhau thì các quan tài được chôn chung một huyệt. Vì quan niệm thế giới bên kia là sự tái hiện thế giới bên này nên người chết được chia tài sản đặt ở nhà mồ. Khi dựng nhà mồ, lễ bỏ mả được tổ chức linh đình, sau đó là sự kết thúc việc săn sóc vong linh và phần mộ.

Nhà mới: Việc làm nhà được cả làng quan tâm. Sự giúp đỡ lẫn nhau về nguyên vật liệu: gỗ, tre, nứa và tranh lợp cũng như ngày công thông qua hình thức gọi là H’rim zít (tổ chức "giúp công" lao động hay "đổi công" trong làng). Lễ khánh thành được tiến hành sau khi dựng xong hàng cây chân vách. Nhưng việc dọn lên nhà mới có thể được thực hiện trước đó một thời gian dài khi các điều kiện để khánh thành nhà chưa cho phép. Nữ giới là đoàn người đầu tiên được bước lên sàn nhà mới. Họ mang theo nước và lửa để sưởi ấm và tưới mát cho nơi cư trú mới mẻ này. Ðó là cách chúc phúc cho ngôi nhà và các thành viên của gia chủ. Dẫn đầu các thành viên nữ là một khoa sang – bà chủ của gia đình mẫu hệ.

Lễ Tết: Người Ê Đê ăn tết vào tháng chạp (tháng 12 lịch âm) khi mùa màng đã thu hoạch xong (không vào một ngày nhất định, tuỳ theo từng buôn). Sau tế ăn mừng cơm mới (hmạ ngắt) rồi mới đến tết (mnăm thun) ăn mừng vụ mùa bội thu. Ðó là tết lớn nhất, nhà giàu có khi mổ trâu, bò để cúng thần lúa; nhà khác thì mổ lợn gà. Vị thần lớn nhất là đấng sáng tạo Aê Ðiê và Aê Ðu rồi đến thần đất (yang lăn), thần lúa (yang mđiê) và các thần linh khác. Phổ biến quan niệm vạn vật hữu linh. Các vị thần nông được coi là phúc thần. Sấm, sét, giông bão, lũ lụt và ma quái được coi là ác thần. Nghi lễ theo đuổi cả đời người và lễ cầu phúc, lễ mừng sức khoẻ cho từng cá nhân. Ai tổ chức được nhiều nghi lễ này và nhất là những nghi lễ lớn hiến sinh bằng nhiều trâu, bò, chè quý (vò ủ rượu cần) thì người đó càng được dân làng kính nể.

Lịch: Nông lịch cổ truyền Ê Đê được tính theo tuần trăng: một năm có 12 tháng và được chia làm 9 mùa tương ứng với 9 công đoạn trong chu kỳ nông nghiệp rẫy: mùa phát rẫy, mùa đốt rẫy mới, mùa xới đất, mùa diệt cỏ... Mỗi tháng có 30 ngày.

Học: Việc học tập (học nghề, truyền bá kiến thức...) theo lối làm mẫu, bắt chước và nhập tâm, truyền khẩu. Ðến năm 1923 mới xuất hiện chữ Ê Đê theo bộ vần chữ cái La-tinh.

Văn nghệ: Có hình thức kể khan rất hấp dẫn. Về văn chương, khan là sử thi, trường ca cổ xưa; về hình thức biểu diễn là loại ngâm kể kèm theo một số động tác để truyền cảm. Về dân ca có hát đối đáp, hát đố, hát kể gia phả... Nền âm nhạc Ê Đê nổi tiếng ở bộ cồng chiêng gồm 6 chiêng bằng, 3 chiêng núm, một chiêng giữ nhịp và một trống cái mặt da. Không có một lễ hội nào, một sinh hoạt văn hoá nào của cộng đồng lại có thể vắng mặt tiếng cồng chiêng. Bên cạnh cồng chiêng là các loại nhạc cụ bằng tre nứa, vỏ bầu khô như các dân tộc khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên, nhưng với ít nhiều kỹ thuật riêng mang tính độc đáo.

Chơi: Trẻ em thường thích chơi cù quay, thả diều vằng có sáo trúc. Trò chơi đi cà kheo trên cao nguyên cũng lôi cuốn không ít thiếu niên Ê Đê ở nhiều nơi. Trò bịt mắt dê, ném lao (ném xa và ném trúng mục tiêu cũng được nhiều trẻ em Ê Đê ưa thích.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm