Chương trình OCOP góp phần gia tăng tiêu thụ hàng hóa ở Bạc Liêu

Chương trình OCOP góp phần gia tăng tiêu thụ hàng hóa ở Bạc Liêu

Ngày 24/11, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023. Chủ trì Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh.

Chương trình OCOP góp phần gia tăng tiêu thụ hàng hóa ở Bạc Liêu ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao lần này có 17 sản phẩm của 3 chủ thể đang sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gồm các sản phẩm như: Khô tôm đất, khô tôm thẻ, muối tôm, chả lụa, tổ yến… Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều được công nhận lại sản phẩm OCOP 4 sao.

Ông Đặng Minh Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua thống kê cho thấy sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo ông Đặng Minh Pháp, OCOP là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Qua 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 130 sản phẩm OCOP (33 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng, tỉnh Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối, quảng bá, chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa.

Chương trình OCOP góp phần gia tăng tiêu thụ hàng hóa ở Bạc Liêu ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, thực tế nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa thể hiện rõ nét đặc sắc gắn liền với đặc trưng của địa phương; đa số sản phẩm sản xuất theo phương thức thủ công nên chất lượng, quy cách mẫu mã vẫn còn hạn chế; tính phong phú, đa dạng chưa cao, mà phần lớn tập trung khai thác ở lĩnh vực chế biến thủy hải sản…

Do đó, để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị cần tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt nâng chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Các sở, ngành xúc tiến thương mại quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm; nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP.

Đặc biệt là hạn chế thấp nhất tình trạng trùng lặp sản phẩm, cần nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm “mới lạ, độc đáo” để làm tăng giá trị kết tinh vào sản phẩm, giúp sản phẩm cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong thời gian tới.

Chương trình OCOP góp phần gia tăng tiêu thụ hàng hóa ở Bạc Liêu ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều và lãnh đạo các đơn vị tìm hiểu các sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Theo Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2023, đơn vị này sẽ tăng cường tổ chức hội chợ, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các chuyến hàng lưu động về nông thôn.

Đồng thời Sở phối hợp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP, đẩy mạnh kết nối cung-cầu, giao thương hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nhằm tạo ra những kênh tiêu thụ hàng hóa lớn và ổn định; trong đó có các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Sở tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến...

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm