Ngày 8/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị xem xét, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức trưng bày các sản phẩm tại một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng của Bạc Liêu.
Cùng với đó phải gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm OCOP đặc trưng đến với du khách trong và ngoài nước. Quảng bá sản phẩm OCOP cũng chính là giới thiệu hình ảnh đất và con người Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước.
Đối với các chủ thể OCOP, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm khi được gắn sao OCOP để khẳng định thương hiệu, có như vậy mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022, có 28 sản phẩm của 18 chủ thể đang sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn các địa phương của tỉnh Bạc Liêu; trong đó, có 19 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới như: nước mắn cá cơm Thiên Phú 32 độ đạm của công ty cổ phần Vũ Võ Bạc Liêu; Đông Trùng hạ thảo Trúc Anh – trà sợi sấy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ sinh học Trúc Anh; khô tôm sú ép của hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Phát; mắn cá lóc của cơ sở Bà Ba; Hủ tiếu gõ của cơ sở A Thành Tâm; giỏ tàng ong, lãng hoa, giỏ xách của cơ sở 10 Thúc, Gạo Đài Thơm 8 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cường Mận… cùn với 9 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng để tái công nhận sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị xem xét, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu đã nghe đại diện các chủ thể trình bày câu chuyển sản phẩm cùng kết quả kiểm tra về thành phần hồ sơ sản phẩm của ngành chuyên môn. Các thành viên Hội đồng đánh giá, chấm điểm cụ thể từng tiêu chí sản phẩm. Kết quả 28 sản phẩm của 18 chủ thể đề đạt đủ điểm theo quy định, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, qua 4 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2021, Bạc Liêu có 91 sản phẩm của 43 chủ thể được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 67 sản phẩm đạt 3 sao và 24 sản phẩm đạt 4 sao. Chương trình đã lan tỏa rộng khắp, qua đó góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa phương. Các sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP đều mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ tương đối ổn định và cao hơn so với lúc đầu, tăng trung bình từ 10 - 15% so với trước khi được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, với nhiều hình thức để người dân trên địa bàn tỉnh hiểu về Chương trình OCOP. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền chú trọng đến việc chia sẻ kinh nghiệm những mô hình hiệu quả, những chủ thể tiêu biểu, sáng tạo. Khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP phù hợp với từng địa phương, phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu; xây dựng được mã số vùng trồng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Tỉnh sẽ dành nguồn kinh phí thỏa đáng để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Chương trình OCOP, nhất là trong công tác xúc tiến thương mại; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để kết nối cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.
Tuấn Kiệt