Chuyện kể rằng có hai vợ chồng ở thôn Pác Sen (xã Xuân Dương, huyện Na Rì, Bắc Kạn) thương yêu nhau lắm, khi xuống chợ, đi kín nước, lúc lên nương làm rẫy... đi đâu họ cũng có nhau. Trong một ngày như vậy, hai vợ chồng cùng nhau ra đồng, chồng phát cây cuối ruộng, vợ cuốc đất đầu ruộng. Khi mặt trời đứng bóng, người chồng mới thôi chặt cây, phát cỏ để gọi vợ về nghỉ, nhưng không nghe được tiếng trả lời của vợ, chỉ nghe tiếng núi đồi vọng lại. Tìm mãi chẳng thấy vợ đâu, khi tới đầu ruộng, chỉ còn lại cuốc vứt chỏng trơ, cỏ cây gẫy nát. Sau này người chồng mới hay vợ mình đã bị một tên quan đi qua thấy người phụ nữ đẹp đã cho quân bắt nàng mang đi. Người vợ chống cự, kêu cứu thảm thiết nhưng do thửa ruộng quá dài, người chồng không nghe thấy.
Góc riêng tư dành cho đôi bạn tâm tình tại chợ tình Xuân Dương. Ảnh: baobackan.org.vn |
Sau này, nàng có dịp trở lại quê, vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, nhưng cũng chỉ biết ôm nhau khóc chứ không thể hàn gắn lại tình xưa vì mỗi người đều đã yên bề gia thất.
Các thiếu nữ Tày, Nùng được mẹ chuẩn bị cho những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để xuống chợ. Ảnh: baobackan.org.vn |
Biết chuyện, dân làng ai cũng tỏ lòng thương. Cảm động trước tình cảm của những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau nên mọi người đồng ý để hai vợ chồng cũ có một ngày ôn lại chuyện xưa và chọn thửa ruộng dài (Nà Rì) của vợ chồng nhà nọ làm nơi tụ họp, đó là ngày 25-3 (âm lịch). Ruộng dài (Nà Rì) cũng là tên của cả huyện Na Rì (Bắc Kạn) ngày nay.
Chợ tình Xuân Dương đã xuất hiện trong cộng đồng người Tày, Nùng ở Xuân Dương (Na Rì) từ bao đời nay và nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc nơi đây. C ứ vào dịp 25 / 3 (âm lịch) hằng năm, không chỉ là nam thanh nữ tú từ khắp các bản làng trong huyện mà bà con vùng lân cận của Lạng Sơn, Thái Nguyên... cũng tưng bừng về dự hội.
Đ ến với c hợ tình Xuân Dương , khách thập phương sẽ được thưởng thức các làn điệu then, sli, lượn, đàn tính trữ tình ngọt ngào và được thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Tày, Nùng với các món ăn lạ mắt mà đậm hương vị của núi rừng Xuân Dương, như: bánh trứng kiến, bánh khảo, bánh lá ngải... Đặc biệt, du khách sẽ được tham gia hoặc chứng kiến những trò chơi dân gian như: rày cỏ, đánh cù , tung còn, đi cà kheo ... Những nét văn hóa này đã và đang góp phần tạo nên một không gian văn hóa muôn màu sắc đậm đà bản sắc dân tộc Tày, Nùng nơi đây.
Nguyễn Trình
TTXVN