Cao Bằng: Người Sán Chỉ ở Nam Cao gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Cao Bằng: Người Sán Chỉ ở Nam Cao gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Nhà ở người Sán Chỉ tại Nam Cao chủ yếu là nhà sàn, tùy diện tích đất và điều kiện kinh tế mà nhà ở có 3 gian, 5 gian hay 7 gian…, nhưng điểm chung là số gian nhà phải là số lẻ. Trong văn hóa của người Sán Chỉ có lễ thành đinh (thổm cuổn) rất độc đáo. Con trai dân tộc Sán Chỉ khi được 11 - 12 tuổi thì bố mẹ phải đón thầy tào về nhà làm lễ thành đinh - lễ công nhận sự trưởng thành, tương tự như lễ cấp sắc của người Dao. Bà Chảo Thị Ngò, xóm Khuổi Piạt cho biết: Lễ thành đinh tổ chức 3 ngày 3 đêm, cả gia đình ăn kiêng, không ăn thịt, mỡ, chỉ ăn cơm chấm muối trong suốt thời gian diễn ra lễ. Những nhà có con trai nếu không làm lễ thành đinh đến khi đến tuổi kết hôn nhà gái không chấp nhận và không cho phép kết hôn. Do đó, lễ thành đinh là một lễ bắt buộc phải thực hiện. 
 
Nam, nữ người dân tộc Sán Chỉ ở xã Nam Cao hát giao duyên trong đám cưới.
Nam, nữ người dân tộc Sán Chỉ ở xã Nam Cao hát giao duyên trong đám cưới.

Trong việc cưới xin, người Sán Chỉ nơi đây cũng có những phong tục riêng, như: Khi đến nhà gái để làm lễ ăn hỏi, nhà trai phải mang theo lễ vật là một đôi gà, rượu, gạo, xôi, hoa quả, bánh kẹo… và nhất định phải mang theo thuốc lá hoặc thuốc lào để trước khi chuẩn bị ăn hỏi phải bốc lấy nắm thuốc mời nhà gái, nếu chủ nhà đón nhận nắm thuốc lá thì việc ăn hỏi mới thành. 
 
Nét văn hóa đặc sắc đặc trưng người Sán Chỉ ở Nam Cao giúp phân biệt với các dân tộc khác chính là trang phục truyền thống. Trang phục của người phụ nữ Sán Chỉ do họ tự làm khá đơn giản với lớp áo ngoài màu chàm đen dài ngang cổ chân, hai mép áo, tay áo được khâu viền màu đỏ hoặc cam. Thắt lưng rộng khoảng 3 - 5 cm thường có màu trắng đục hoặc xám ở giữa có gắn bạc. Khi mặc trang phục truyền thống, phụ nữ phải vấn tóc, đội khăn màu trắng pha mảnh vải đen ở giữa (nếu ngày cưới hay hội xuân thì thường đội khăn màu đỏ được thêu hoa văn đẹp gắn các dải len nhiều màu sắc), cài 3 châm cài bằng bạc và kèm theo các đồ trang sức, như: vòng cổ, vòng tay bằng bạc… Điểm nhấn làm cho trang phục mỗi người phụ nữ nổi bật chính là những dải lụa, len nhiều màu sắc rực rỡ được gắn vào một trong những vòng bạc ở cổ chạy dọc xuống gần đầu gối. Áo của nam màu chàm dài qua hông, cài chéo vạt trái; quần dài, cạp chun, ống quần khá rộng tạo cảm giác thoải mái.
 
Phong tục lễ, Tết của người Sán Chỉ ở Nam Cao xưa gồm: Tết Nguyên đán mừng năm mới từ ngày mùng 1 đến mùng 7 âm lịch, trong đó, ngày mùng 1 cả làng mang đồ lễ đến cúng thổ công của làng. Ngày 15 tháng Giêng làm lễ cúng gọi hồn từ trước cửa vào nhà lên bàn thờ. Lễ cúng thần Nông diễn ra vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch để cầu mong trồng trọt được mùa. Lễ cúng thần lá, đuổi sâu bệnh mùng 6 tháng 6 âm lịch… Hiện nay, đã bỏ một số lễ trong năm hoặc tổ chức đơn giản, cải tiến, gọn nhẹ. Trong những dịp  lễ, Tết, hội xuân…, người Sán Chỉ tại Nam Cao lại cất lên những làn điệu dân ca của dân tộc.
 
Chủ tịch UBND xã Nam Cao Ma Thế Sỹ cho biết: Xã Nam Cao hiện có hơn 700 hộ, trong đó, người Sán Chỉ chiếm hơn 40% dân số. Đa số cộng đồng người Sán Chỉ sinh sống quần tụ trong những làng bản riêng nên vẫn lưu giữ được khá nguyên vẹn bản sắc văn hoá riêng của dân tộc. Để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của dân tộc Sán Chỉ ở Nam Cao, bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chú trọng lồng ghép giới thiệu phong tục, trang phục truyền thống, dân ca… của dân tộc Sán Chỉ trong các ngày hội văn hóa, thể thao được tổ chức hằng năm; có chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu, sưu tầm trong việc gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Sán Chỉ... 
 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm