Trở lại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) vào những ngày cuối năm 2020, chúng tôi thực sự ấn tượng trước những đổi thay ở từng ngôi nhà, cộng đồng dân cư với nhà cửa, đường làng, ngõ xóm khang trang, tươm tất, hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư khá hoàn thiện... Mùa xuân mới như mang theo sức sống mới đến với các thôn làng ở huyện miền núi có đông đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận.
Bắc Bình là huyện có đông đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận với 18 dân tộc cùng chung sống, chiếm tỷ lệ gần 37% dân số toàn huyện. Những năm qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn không chỉ giúp diện mạo nông thôn khởi sắc, mà còn giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, cuộc sống ngày càng no ấm.
Trong số này, nổi bật là việc triển khai Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và các Nghị quyết của Tỉnh ủy Bình Thuận về “Phát triển toàn diện dân sinh kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS”, góp phần làm đổi thay diện mạo làng quê và cuộc sống của đồng bào ở huyện miền núi Bắc Bình.
Nhờ đó, tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Bắc Bình chuyển biến khá toàn diện, đời sống của đồng bào nâng lên rõ nét. Đến nay, huyện có 98% hộ dân có đủ điện, nước sinh hoạt, 100% các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 9/9 xã điều đạt chuẩn quốc gia về y tế… Bên cạnh đó, huyện Bắc Bình còn triển khai đồng bộ các chính sách về đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Tính từ năm 2003 - 2020, toàn huyện đã khai hoang 1.600 ha đất sản xuất, cấp cho 1.600 hộ. Từ diện tích được cấp, nhiều hộ đồng bào mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, thực hiện việc tái định cư cho đồng bào hai xã Phan Sơn, Phan Lâm, giúp đồng bào từng biết ổn định.
Trước đây, điều kiện đi lại của người dân ở hai xã Phan Sơn, Phan Lâm gặp nhiều khó khăn, nay đường giao thông đã được xây dựng, lưu thông thuận lợi, các xe vận chuyển hàng lưu động thường xuyên chở nhu yếu phẩm về phục vụ đồng bào.
Từ năm 2003 đến nay, tỉnh và huyện đã đầu tư 6 công trình nước cho các xã miền núi và các thôn xen ghép với tổng kinh phí gần 22,5 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường của người dân và địa phương.
Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội dân gian truyền thống, bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS cũng được các cấp, các ngành ở Bắc Bình quan tâm, chú trọng. Qua đó, hầu hết các DTTS trên địa bàn đều bảo lưu, sử dụng tiếng nói của mình trong sinh hoạt cộng đồng.
Nhờ vậy, nhiều lễ hội truyền thống lớn của đồng bào DTTS được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự như: Lễ hội Ramưwan, Ka tê... Các lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc được diễn ra theo đúng nghi thức và tập tục truyền thống, đảm bảo mục đích và ý nghĩa của các lễ hội…
Nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các DTTS ở Bắc Bình được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động có việc làm trên 100%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm; khối đoàn kết dân tộc được củng cố và phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Đồng bào các dân tộc ở Bắc Bình luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào ở địa phương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh