Vĩnh Long đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Vĩnh Long đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Ngày 5/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai trương điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.

Điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP được đặt tại nhà chờ Bến cảng hành khách tỉnh Vĩnh Long (phường 9, thành phố Vĩnh Long), với 56 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 4 sao của 26 chủ thể.

Ngoài ra, trong đợt này, tỉnh cũng đồng loạt triển khai điểm trưng bày và bán sản phẩm tại 2 điểm nữa là Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm) và Nhà dừa Coco Home Vĩnh Long (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Vĩnh Long đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng ảnh 1Các đại biểu cắt băng khánh thành tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN.

Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng, hình thành hệ thống điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong tỉnh.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, triển khai tốt chương trình OCOP và nhân rộng điểm giới thiệu, bán sản phẩm. Các chủ thể OCOP cần quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản để từng bước nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vĩnh Long đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng ảnh 2Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại nhà chờ Bến cảng hành khách tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn hướng đến phát huy nội lực và gia tăng giá trị; đồng thời là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Vĩnh Long đã có 98 sản phẩm OCOP với 60 chủ thể; trong đó có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 66 sản phẩm đạt 3 sao và có 2 sản phẩm trình Hội đồng Trung ương công nhận 5 sao. Chương trình đã phát huy thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản, cây dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo hướng tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu thị trường gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thông.

Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay là quy mô sản xuất hầu hết các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến còn thấp; nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP bị sụt giảm...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Đặc biệt, tiếp tục mở rộng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP đến các địa phương trong tỉnh.

Phạm Minh Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm