Theo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng, hiện tỉnh có 216 hợp tác xã đang hoạt động với gần 32.000 thành viên; có 1.244 tổ hợp tác, với 29.613 thành viên; 1 liên hiệp hợp tác xã.
Trong những tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện các nhiệm vụ từ Trung ương, bộ, ngành chỉ đạo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về Luật Hợp tác xã cho các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cũng đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp giới thiệu 60 sản phẩm đặc sản địa phương. Ngành công thương đã hỗ trợ cho các hợp tác xã đưa thông tin lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, hỗ trợ một số hợp tác xã ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sàn xuất. Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 16 hợp tác xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Triển khai từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho gần 700 hộ là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng dư nợ 27,5 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cũng đã hỗ trợ cho 11 hợp tác xã vay với dư nợ trên 4,5 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Sóc Trăng đã đầu tư kết cấu hạ tầng cho 5 hợp tác xã với mức đầu tư hơn 8,8 tỷ đồng; xây dựng 94 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 584,17 ha.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trong đó, tập trung xem xét, nghiên cứu các chính sách như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lao động trẻ về làm việc cho các hợp tác xã… Đồng thời, tạo điều kiện cho các hợp tác xã kiểu mới, hướng đến việc triển khai nhân rộng các mô hình mà các hợp tác xã đang thực hiện có hiệu quả.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu ngành công thương có nhiệm vụ kết nối, hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể trong xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm; tiếp tục triển khai chính sách, chương trình khuyến công, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai phương án củng cố thành viên, thành lập Liên hiệp Hợp tác xã Lúa gạo Thạnh Trị. Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ tổ chức triển khai chương trình, dự án gắn với hoạt động của các hợp tác xã. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng và phát triển các hợp tác xã điểm gắn với xây dựng chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP. Đặc biệt, đối với hợp tác xã hoạt động yếu kém xem xét củng cố hoặc giải thể…
Trung Hiếu