Gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười

Gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười

Huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen đạt 1.000 ha; trong đó, tập trung phát triển 5 vùng nguyên liệu sen tại các xã Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.

 Mục tiêu trồng sen ở Tháp Mười là hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tính bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười.

Cùng với đó, phát triển đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm ngành hàng sen đạt các tiêu chuẩn có thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Tháp Mười và hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Huyện Tháp Mười hướng đến phát triển các sản phẩm từ sen kết hợp với du lịch sinh thái và ẩm thực sen.

Gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm sen Tháp Mười ảnh 1 Mô hình trồng sen kết hợp với du lịch ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

PGS.TS. Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, Đồng Tháp là địa phương có điều kiện thuận lợi cho cây sen phát triển. Thời gian qua, nhiều mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Ngoài ra, Đồng Tháp đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, tỉnh có 50 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ sen; 11 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Để ngành hàng sen phát triển diện tích 1.000 ha, tỉnh đề ra giải pháp hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc; duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP, có ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP; trong đó, 5 sản phẩm đề xuất cấp quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP.

Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu sen được quan tâm đầu tư, phát triển và có xu thế gia tăng. Nhiều diện tích được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ. Một số doanh nghiệp như Chi nhánh tại Đồng Tháp - Công ty Thực phẩm Sen Đại Việt, Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Thu sẵn sàng đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu sạch tại chỗ cung cấp cho sản xuất ra sản phẩm từ sen đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm của cây sen. Việc đăng ký mã vùng trồng cũng được đẩy mạnh, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã đề nghị cấp mã số vùng trồng sen cho 60 ha.

Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ Cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười chia sẻ, với diện tích trồng sen lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào, cơ sở đã hình thành ý tưởng nấu sữa hạt sen để gia tăng giá trị kinh tế. Ngoài sản phẩm sữa sen tươi, hiện cơ sở phát triển thêm sản phẩm sữa sen dạng bột và được thị trường rất ưa chuộng.

Trước đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười”. Đơn vị đã ban hành các quyết định, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười”, cấp tem nhãn, logo nhãn hiệu chứng nhận cho Công ty Đồng Tháp Mười dùng thử nghiệm vào năm 2018.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, dự án trồng sen ở Tháp Mười cần đề ra những mục tiêu cụ thể; trong đó, có số lượng các sản phẩm từ sen đạt OCOP 5 sao, đa dạng các sản phẩm, tránh trùng lặp. Với định hướng phát triển du lịch gắn với vùng nguyên liệu, cần lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng tour gắn với việc mua sắm các sản phẩm từ sen nhằm tăng trải nghiệm, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Quý I/2023, diện tích trồng sen ở huyện Tháp Mười hơn 302 ha, đã thu hoạch 151,3 ha. Huyện khai thác các thế mạnh của sản phẩm nông nghiệp, giá trị văn hóa, lịch sử vào phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của huyện theo định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành một sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm “đa dạng hóa” và “đặc thù hóa” sản phẩm du lịch cho địa phương.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm