Tăng giá trị cho cây sen Đồng Tháp

Thu hoạch sen lấy gương trồng mùa lũ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Thu hoạch sen lấy gương trồng mùa lũ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Với hơn 850 ha trồng sen, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với diện tích sen phát triển ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông.

Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, ngó, giờ đây còn được đa dạng hóa với những sản phẩm từ tinh dầu sen, tơ sen... đến các dịch vụ như ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen, tạo chuỗi giá trị kinh tế cao.

Những năm qua, địa phương đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, như: chủ đề “Vương quốc Sen và văn hóa tâm linh” tại đồng sen huyện Tháp Mười... Năm 2016, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”. Năm 2019, huyên cũng có 6 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ sen được đánh giá 3-4 sao. Hiện, diện tích trồng sen ở huyện Tháp Mười duy trì khoảng 300 ha.

Anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười có 4 ha sen. Từ khi chuyển sang trồng sen bán gương, ngó, kết hợp với du lịch, gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Trên diện tích sen hiện có, gia đình anh kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho khách tham quan vùng trồng sen bằng phương tiện thuyền, thưởng thức các món ăn từ sen để gia tăng lợi nhuận từ sen.

Dược sỹ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khánh Thu ở khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen. Hiện, sản phẩm này được phân phối tại thuốc tây, cửa hàng tại Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, cùng như cung cấp cho các thị trường Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc.

Bên cạnh sản phẩm trà lá sen đặc trưng, anh Huy đã nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen.... Từ đó, các sản phẩm về sen mang lại cho anh Huy trên 600 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, để chủ động nguồn nguyên liệu, anh Huy đã liên kết trồng thêm 45 ha với nông dân để phục vụ cho việc sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người dân tại địa phương.

Anh Ngô Chí Công cũng đã đưa hoa sen Đồng Tháp ra thế giới, với thương hiệu hoa sen sấy khô Ecolotus. Đây là một trong những sản phẩm giá trị cao từ cây sen,

Không dừng lại ở du lịch ngắm đồng sen, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức giới thiệu, quảng bá, cung cấp hơn 500 sản phẩm từ sen, phục vụ khách du lịch, thưởng thức ẩm thực từ sen. Các sản phẩm này gồm rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen , sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen Bích Chi… Từ đó nâng cao chuỗi giá trị sen Đồng Tháp, trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất sen hồng.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm