Chương trình OCOP nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Cơ sở sản xuất cà phê Thảo Hiên (Ia Grai, Gia Lai) có 1 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Cơ sở sản xuất cà phê Thảo Hiên (Ia Grai, Gia Lai) có 1 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Gia Lai đã góp phần tích cực trong việc hình thành hàng trăm nông sản đặc trưng của tỉnh. Khi tự tay xây dựng các bộ tiêu chí về OCOP, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu thay đổi tư duy sản xuất nhằm đáp ứng đúng nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Chương trình OCOP nâng tầm giá trị nông sản địa phương ảnh 1Cơ sở sản xuất cà phê Thảo Hiên (Ia Grai, Gia Lai) có 1 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Tỉnh Gia Lai hiện có 311 sản phẩm đạt OCOP hạng 3-4 sao cấp tỉnh (49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao) của 154 chủ thể (30 doanh nghiệp, 42 hợp tác xã, 82 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh); trong đó, nhóm thực phẩm 281 sản phẩm, nhóm đồ uống 8 sản phẩm, nhóm thảo dược 20 sản phẩm, nhóm vải may mặc 1 sản phẩm và nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thảo, tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết, hiện nay đơn vị có 6 sản phẩm cà phê (cà phê bột mộc đặc biệt, cà phê hạt mộc pha máy, cà phê bột phin đậm, cà phê túi lọc, cà phê bột cao cấp, cà phê hạt truyền thống); trong đó, 1 sản phẩm được chứng nhận đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.

Theo chị Thảo, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, yếu tố quyết định nằm ở chất lượng sản phẩm và khâu tiếp thị bán hàng. Do đó, cơ sở sản xuất cà phê Thảo Hiên luôn lấy đúng nguồn nguyên liệu cà phê theo tiêu chuẩn 4C tại địa phương. Cà phê được hái chín, sơ chế sạch, rồi ủ lên men, phơi sấy trên giàn cao để sản phẩm làm ra giữ trọn được vị nguyên bản.

Chương trình OCOP nâng tầm giá trị nông sản địa phương ảnh 2Sản phẩm cà phê của Cơ sở sản xuất cà phê Thảo Hiên (Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ngoài ra, gia đình chị cũng có cách phương thức tiếp thị sản phẩm trên nhiều trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhờ vậy, hiện nay, các sản phẩm cà phê thương hiệu Thảo Hiên đã được bán ra trên thị trường cả nước.

Gia đình Nguyễn Văn Thiêm, ở làng Bia Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai cũng đã xây dựng thành công sản phẩm hạt điều rang muối Nguyễn Thiêm, đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh. Anh Thiêm cho biết, hạt điều ở vùng biên Gia Lai có sự khác biệt so với những nơi khác bởi vị béo đặc trưng. Qua nhiều thời gian thử nghiệm, chọn lọc, hiện nay, anh đã chế biến được các sản phẩm điều sạch lụa, điều nguyên vỏ lụa và điều sống làm sữa hạt. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh Thiêm bán ra gần 10 tấn sản phẩm tới nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Anh Thiêm cho hay, thay vì bán nguyên liệu thô, hiện gia đình chọn cách chế biến để tăng giá trị sản phẩm và cũng sẽ hỗ trợ được 10-20 lao động địa phương có việc làm vào thời điểm chính vụ. Ngoài ra, gia đình cũng đẩy mạnh xúc tiến, tham gia một số hội chợ và các kênh thương mại điện tử như là Zalo, Facebook, Tik Tok để quảng bá sản phẩm, đây cũng là kênh bán hàng hữu hiệu.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, sau nhiều hình thức tuyên truyền xây dựng sản phẩm OCOP tới các nông hội, hộ sản xuất, hợp tác xã về nông nghiệp hiểu được quy trình cũng như lợi ích về xây dựng phát triển sản phẩm OCOP và hầu hết các chủ thể này đã thực hiện rất hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế, khó khăn như việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ, đầu ra của thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng định hướng, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm chuẩn bị xây dựng OCOP tìm hiểu các quy trình tạo ra sản phẩm. Cùng đó, hướng họ tới việc học hỏi kinh nghiệm một số mô hình tại nhiều địa phương khác thông qua nhiều kênh, đặc biệt là dịp giới thiệu các gian hàng OCOP địa phương trong và ngoài tỉnh.

Hiện Ia Grai có 14 sản phẩm về nông nghiệp; trong đó, có 4 sản phẩm nông OCOP 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Theo ông Đông, những sản phẩm này đã đảm bảo được những tiêu chuẩn theo điều kiện, tiêu chuẩn cấp tỉnh và được duy trì và đều được công nhận lại khi có các đợt rà soát chất lượng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Đông cho rằng, trước hết nhãn mác đảm bảo được tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu, truy xuất nguồn gốc phải rõ ràng để người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm.

Với lợi thế là một tỉnh nông nghiệp, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng, tỉnh Gia Lai đặt ra một số mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 246 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh là 395 sản phẩm, trong đó có từ 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tỷ lệ các sản phẩm OCOP của Gia Lai khi tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.

Hiện tại, tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch. Người tiêu dùng cũng có thể lên website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn để tìm kiếm các nguồn sản phẩm mà mình đang có nhu cầu.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm