Nằm trong dải đất duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng lớn về khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp cho trồng trọt và sản xuất nông nghiệp. Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và tạo dựng nhận diện cho sản phẩm đặc trưng, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai mạnh mẽ tại địa phương, góp phần xây dựng thương hiệu bền vững.
Tại Khánh Hòa, chương trình OCOP tập trung vào xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng từ mỗi xã, giúp tạo dựng các thương hiệu sản phẩm độc đáo và bền vững. Đây là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn và góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, mà còn được xem như là mục tiêu quan trọng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã... đã hưởng ứng tích cực.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, việc tham gia vào chương trình giúp cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường và đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra các văn bản chỉ đạo, khuyến khích các địa phương triển khai mạnh mẽ và rộng rãi.
Đồng thời, tỉnh cũng tham gia triển lãm sản phẩm OCOP tại các hội nghị quan trọng như: Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk; Hội nghị Khuyến nông toàn quốc; Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023; Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Số lượng sản phẩm OCOP và chủ thể tham gia chương trình đã gia tăng đáng kể. Từ 103 sản phẩm của 61 chủ thể vào năm 2022 đã tăng lên 120 sản phẩm của 72 chủ thể như hiện nay; trong đó, huyện Cam Lâm - vùng đất nổi tiếng với những sản phẩm xoài đặc trưng đã có 6 sản phẩm thuộc 5 chủ thể tham gia chương trình OCOP và nhận được sự hỗ trợ tích cực. Các sản phẩm này bao gồm: xoài Úc và xoài Tứ Quý từ Tổ hợp tác trồng xoài VietGAP Cam Tân, Xoài sấy Cam Lâm từ Công ty TNHH Camlamonline, xoài Úc Khánh Hoà Phát từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khánh Hoà Phát và xoài Úc Cam Thành Bắc từ Hợp tác xã Cây ăn quả Cam Thành Bắc. Tất cả sản phẩm này đã đáp ứng tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Nói về hiệu quả của việc tham gia chương trình chương trình OCOP, ông Hồ Tấn Cường - Giám đốc Hợp tác xã Trồng táo Cam Thành Nam, huyện Cam Lâm chia sẻ, hợp tác xã có 14 thành viên với tổng diện tích trên 40 ha đất canh tác, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha nên rất dễ quản lý sâu bệnh. Lợi ích của việc tham gia vào chương trình OCOP về tiêu thụ sản phẩm cũng như xúc tiến thương mại rất rõ.
Khi tham gia chương trình này, bắt buộc tất cả các thành viên phải áp dụng tiêu chuẩn sản xuất của VietGAP, trồng trong nhà lưới. Khi sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP thì tập thể hợp tác xã dễ dàng cung ứng một lượng hàng rất lớn cho thị trường. Sau khi đạt được chứng nhận OCOP 3 sao (từ năm 2022) thì sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường siêu thị, khu nghỉ dưỡng và tiếp tục phát triển thương hiệu.
Năm nay, vụ táo diễn ra thuận lợi, thời tiết mưa thuận gió hòa, giá bán cao, bình quân từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Giá bán cao là nhờ nông dân đầu tư theo quy trình VietGAP, bao lưới… bảo đảm chất lượng, giữ được thương hiệu táo Cam Thành Nam - ông Hồ Tấn Cường dẫn chứng.
Theo UBND huyện Cam Lâm, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức về chương trình OCOP trong cộng đồng dân cư, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm và xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, huyện sẽ củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường (qua việc truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu và bán hàng); hoàn thiện hồ sơ nâng cấp sản phẩm lên 4 và 5 sao trong những năm tiếp theo.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa khuyến khích sản phẩm mới có nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương tham gia chương trình OCOP. Trong kế hoạch, Khánh Hòa sẽ tập trung vào việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP đối với cộng đồng dân cư.
Các cơ quan chuyên môn cũng sẽ hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm và xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đối với huyện Cam Lâm, huyện sẽ lồng ghép nguồn lực hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP, phối hợp với cơ quan và đơn vị tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, nhằm đóng góp vào phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đặng Anh Tuấn