Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định công nhận sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap của Công ty TNHH Dừa sáp Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (Vicosap) đạt thứ hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây là sản phẩm OCOP thứ 8 đạt thứ hạng 4 và 5 năm sao được chế biến từ trái dừa sáp được trồng ở tỉnh Trà Vinh.
Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết, sản phẩm dừa sáp sợi được chế biến từ trái dừa sáp theo kỹ thuật đặc chế đảm bảo giữ nguyên được đặc tính đặc sản của dừa sáp là độ dẻo của cơm dừa, độ đặc sánh của nước dừa sáp và hương vị thơm ngon của dừa sáp. Sản phẩm dừa sáp sợi đã được bán rộng rãi ra thị trường trong nước phục vụ nhu cầu cho người tiêu dùng chế biến các món bánh, làm nguyên liệu để pha chế thêm vào các thức uống giải khát khác nhau…
Theo ông Trần Duy Linh, hiện nay công ty đã chế biến 9 dòng sản phẩm từ trái dừa sáp, gồm kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan, bánh dinh dưỡng dừa sáp, sữa chua uống dừa sáp và trái dừa sáp hút chân không với 40 sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn sở hữu nhiều công thức chế biến món ăn, thức uống từ dừa sáp.
Trước đây, trái dừa sáp của huyện Cầu Kè được xem là đặc sản, nhưng cũng chỉ dành để bán trái cho người tiêu dùng làm quà, chế biến sinh tố, làm kem dừa sáp, với mức giá bình quân từ 110.00 – 120.000 đồng/trái. Thế nhưng, kể từ khi dừa sáp được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm OCOP đã giúp nông dân trồng dừa sáp có thị trường tiêu thụ ổn định và tăng thêm nguồn thu nhập từ 10 – 20 % so với trước.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng dừa sáp nhiều nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha trồng dừa sáp, với khoảng 45.000 cây; trong số này, có trên 38.000 cây đang cho trái.
Tỉnh đang triển khai các hoạt động để nâng cao chuỗi giá trị cây dừa. Tỉnh ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp liên kết cùng nông dân mở rộng diện tích dừa hữu cơ, dừa sápvà chế biến các sản phẩm sạch từ dừa, nhằm đảm bảo đầu ra và nâng cao thu nhập bền vững. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 phát triển diện tích vườn dừa đạt trên 25.000 ha và đến 2030 đạt khoảng 30.000 ha theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập bền vững cho người trồng dừa trong tỉnh.
Phúc Sơn