Trà Vinh phát triển thêm 550 ha dừa sáp

Nông dân thu hoạch dừa khô nguyên liệu. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Nông dân thu hoạch dừa khô nguyên liệu. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích 550 ha dừa sáp trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần, nâng tổng diện tích dừa sáp toàn tỉnh đạt khoảng 1.200 ha.

Trà Vinh phát triển thêm 550 ha dừa sáp ảnh 1Nông dân thu hoạch dừa khô nguyên liệu. Ảnh: Công Trí - TTXVN



Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, dừa sáp là cây trái đặc sản nổi tiếng của tỉnh qua hàng chục năm nay. Hiện sản phẩm dừa sáp của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và chứng nhận VietGAP. Việc khuyến khích nông dân mở rộng diện tích dừa sáp trên những diện tích vườn cây tạp, cây ăn trái già cõi nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP từ dừa sáp.

Theo ông Lê Trường Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có các cơ sở, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm đặc sản từ dừa sáp, như có mứt dừa sáp Cẩm của cơ sở Nguyễn Thị Cẩm, đạt chứng nhận OCOP 03 sao; sản phẩm dừa sáp sợi VICOSAP; dừa sáp Bảo Châu; kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp cacao của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè… Với các sản phẩm đặc sản chế biến cùng với nhu cầu người tiêu dùng tự chế biến như sinh tố dừa sáp, kem dừa sáp,… nên nguồn cung thường không đủ cầu và giá dừa sáp luôn ổn định ở mức từ 110.000 – 150.000 đồng/trái (tùy loại).

Ông anh Thạch Em, ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình có 2 ha dừa sáp trồng theo qui trình VietGAP chỉ 4 năm là cây cho trái. Được ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực, dừa sáp cho tỷ lệ trái sáp tăng nhiều so với cách trồng truyền thống trước đây. Trung bình dừa sáp trồng theo cách truyền thống chỉ cho trái sáp từ 2 - 3 trái/ buồng, nhưng với ứng dụng khoa học kỹ thuật cây dừa cho trái từ 5 – 7 trái/ buồng. Khi cây dừa sáp ở giai đoạn từ 7 tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120 - 150 trái. Với tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 20 - 40%, thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/ năm.

Bà Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở mứt dừa sáp Cẩm, ở thị trấn Cầu Kè cho biết, nguồn tiêu thụ trái dừa sáp chưa bao giờ vượt cầu. Vào các thời điểm như dịp tết Đoan Ngọ, Rằm Tháng 7, Tết Nguyên đán thường khan hiếm. Chỉ tính riêng cơ sở của bà Cẩm, hàng ngày tiêu thụ từ 300 - 400 trái dừa sáp để chế biến và cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…

Ông Lê Trường Sơn cho biết thêm, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích nông dân mở rộng diện tích dừa sáp nhưng phải thực hiện đúng 2 điều kiện là trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ nông dân liên kết cùng doanh nghiệp để tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, nhằm đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân trồng dừa.


Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm