Ngày 16/7, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã công bố 3 sản phẩm trái cây đặc sản được chứng nhận thương hiệu, gồm: dừa sáp Hoà Tân, măng cụt Tân Qui, cam sành Trà Ốt.
Đây chương trình được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh hỗ trợ cho huyện Cầu Kè nâng cao chuỗi giá trị vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương.
Bà Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, huyện Cầu Kè có thế mạnh về vườn cây ăn trái đứng đầu tỉnh, với hơn 9.147 ha cây ăn trái đặc sản như: dừa sáp, măng cụt, bưởi da xanh, cam sành, chôm chôm Java,... cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 150.000 tấn.
Tuy nhiên, những năm qua giá trị vườn cây ăn trái đem lại cho nông dân chưa cao do chưa ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết bền vững đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2019, được ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ về qui trình kỹ thuật sản xuất sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thương hiệu trái cây đặc sản và tổ chức liên kết đầu ra sản phẩm, kinh tế vườn của huyện Cầu Kè đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ngoài việc dựng thương hiệu một số trái cây đặc sản, huyện Cầu Kè còn thành lập được 3 hợp tác xã nông nghiệp chuyên canh trái cây được chứng nhận VietGAP, gồm: dừa sáp, bưởi da xanh, xoài cát và tổ hợp tác chuyên canh chôm chôm Java.
Các hợp tác xã và tổ hợp tác này đã ứng dựng tốt khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu thụ ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân cho biết, hợp tác xã có 53 thành viên, chuyên canh gần 45 ha dừa sáp; trong này hiện có 28 ha được sản xuất theo chuẩn VietGAP và cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 40 tấn. Thường dừa sáp được trồng 5 – 6 năm tuổi mới cho trái, nhưng nhờ trồng theo qui trình VietGAP chỉ 4 năm là cây cho trái.
Anh Thạch Phu My, thành viên Hợp tác xã Dừa sáp Hoà Tân nhẩm tính, khi cây dừa sáp được 7 năm tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120 - 150 trái. Nhờ từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40 - 50%/ buồng, tăng từ 5 – 7 trái so cách trồng truyền thống. Tính theo giá bán của hợp tác xã, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm. Con số này nếu chỉ tính mức bình quân mỗi hộ dân trồng 50 cây dừa sáp, mức thu nhập không bao lâu sẽ đưa người trồng dừa ở Hòa Tân trở thành triệu phú.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, tỉnh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản với mục tiêu phấn đấu đạt diện tích 20.000 ha vào năm 2020. Đối với huyện Cầu Kè được tỉnh quy hoạch phát triển vùng cây ăn trái chủ lực gắn với du lịch, với tổng diện tích vườn cây ăn trái đặc sản khoảng 4.000 ha.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư khoảng trên 620 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, tỉnh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất về cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu,… nhằm nâng giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của tỉnh đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm.
Phúc Sơn