Vài nét riêng về dân tộc Mảng

Vài nét riêng về dân tộc Mảng
Nguồn sống chính của người Mảng là làm nương, ở đó cây lúa đóng vai trò quan trọng cho dù bà con chỉ làm mỗi năm một vụ nương và năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là nguồn nước mưa. Ngoài ra, trên nương bà con còn trồng xen canh ngô, sắn, bầu, bí và nhất là cây thuốc lá. Nói chung chăn nuôi gia súc của người Mảng chưa đem lại hiệu quả cao, tập quán chăn nuôi thả rông các giống trâu, bò, lợn còn phổ biến. Đặc điểm nổi bật là người Mảng rất thích ăn cua suối nướng. Chính vì lẽ đó mà cách đây gần chục năm, hơn một lần dịch sán lá phổi xuất hiện tại huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu hiện nay), Bộ Y tế phải cử một đoàn gồm những chuyên gia nhiều kinh nghiệm lên giúp tỉnh Lai Châu dập dịch. Nguyên nhân được xác định là do các cháu nhỏ trong lúc đi chăn trâu đã bắt cua đá dưới suối rồi nướng ăn, cua không được nướng kỹ nên mang theo ấu trùng sán vào cơ thể.
 
Người xăm cằm và gia đình mang lễ vật đến nhà thầy cúng nhờ làm lễ.
Người xăm cằm và gia đình mang lễ vật đến nhà thầy cúng nhờ làm lễ.

Người Mảng không có chữ viết riêng, tuy nhiên nền văn học nghệ thuật dân gian khá phong phú và hầu hết là truyền miệng. Các cụ già thích nghe kể sử thi, nhất là tác phẩm Soỏng mẳng, nội dung nói về chuyện chia đất chia mường. Một số chuyên viên của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên có công trình nghiên cứu về người Mảng, bước đầu cho kết quả tốt. Trong kho tàng truyện cổ dân gian của người Mảng, nổi tiếng nhất là truyền thuyết về tục xăm cằm. Truyền rằng, ngày xưa, có đôi vợ chồng trẻ dân tộc Mảng sống với nhau rất hạnh phúc. Hàng ngày họ cùng lên nương trồng bông, gieo lúa; xuống suối bắt cá, mò tôm. Vừa làm họ vừa ca hát đùa vui, khiến chim muông nhiều khi cũng ngừng bay nhảy vì mải ngắm nhìn đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp. Nhưng sau khi sinh hạ đứa con đầu lòng, chị vợ bỗng dưng trái tính trái nết, hay cáu gắt vô cớ, đã thế lại tham ăn và lười nhác. Nhiều hôm người chồng đi nương về, nhìn nhà cửa ngập ngụa, bếp núc lạnh lẽo, anh lấy làm buồn lắm. Trong số cá tôm anh bắt được, chị vợ thường chọn con to nhất nướng lên rồi một mình ngồi ăn hết, chẳng mời chồng lấy nửa lời. Sau nhiều lần bảo ban, rồi cả mắng mỏ mà người vợ vẫn chứng nào tật ấy, anh chồng hết sức đau khổ. Bữa nọ anh ra suối, tìm đến hòn đá tổ Xôm Bai ngồi khóc một mình. Tâm sự của anh làm động lòng vị thần chăm sóc hạnh phúc tên là Trừ Giảng, một lần Trừ Giảng hiện lên, bảo:

- Ngươi về lấy lá xanh cắm ở hiên nhà, rồi dùng kim chỉ khâu bớt mồm vợ lại. Khiến nó sẽ chăm chỉ làm lụng và không còn chửi bới gì được nữa.

Anh chồng nghe lời Trừ Giảng, lấy lá xanh cắm ở hiên nhà. Song, việc khâu bớt mồm vợ lại, thì anh thương vợ nên không nỡ làm. Cuối cùng anh nghĩ ra một cách, bảo vợ dùng gai nhọn xăm quanh cằm, rồi tự tay anh lấy lá chàm xát vào. Nhựa lá chàm ăn vào các vết gai châm, tạo nên một màu xanh đen như vết chỉ đen. Ngay sau đó, người vợ trở nên chăm chỉ làm lụng, tính tình hiền thục, ăn ở tình nghĩa với chồng con. Từ đấy, người Mảng có tục con gái đến tuổi cập kê (khoảng 14 - 15 tuổi), ai cũng phải xăm cằm. Tập tục này nhắc nhở các cô gái về bổn phận làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ.
 
Tục xăm cằm của người dân tộc Mảng
Tục xăm cằm của người dân tộc Mảng

Lâu dần, người ta không xăm cằm một cách tuỳ hứng mà xăm theo hình con rồng, chim muông, con bướm, bông hoa... như một cách trang điểm độc đáo của phụ nữ dân tộc Mảng. Các cụ già còn bảo nếu cô gái nào không xăm cằm, khi chết đi linh hồn sẽ không được siêu thoát, không thể vượt qua cổng nhà trời để “nhập” trở lại dòng họ, sẽ thành con ma lang thang đói khát mãi. Ngày nay, nhìn chung phụ nữ Mảng đã bỏ tục xăm cằm. Tuy nhiên, người chết trước lúc khâm liệm, được ông mo lấy than vẽ quanh cằm, giả làm như đã xăm cằm để được “nhập” vào thế giới người âm...
Theo baodienbienphu.info.vn

Có thể bạn quan tâm