Từng bước phá thế độc canh cây “vàng đen”

Hồ tiêu được mệnh danh là cây “vàng đen”, từng mang đến cho huyện Chư Pưh (Gia Lai) nhiều nông dân tỷ phú. Tuy nhiên, loại cây này cũng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh cơ hàn. Nhằm mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Chư Pưh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phá thế độc canh cây hồ tiêu…

A1 DOC CANH.jpg
Đồng bào dân tộc ở huyện Chư Pưh trồng cây cà phê thay thế dần những vườn tiêu bị chết. Ảnh: Quang Thái

Đến thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh, cái tên Trần Bá Chiến ở thôn Phú Bình, xã Ia Le từng “vang danh” khi có trên 5.000 trụ tiêu, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, vào khoảng năm 2017, khi loại cây này rơi vào thảm cảnh “chết nhanh, chết chậm”, hàng nghìn trụ tiêu của gia đình ông Chiến khô héo dần rồi lụi tàn.

Không nản lòng, ông Chiến tìm đến mô hình trồng dâu nuôi tằm. Năm 2019, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm trên 1 ha đất và thành lập Nông hội Dâu tằm đầu tiên tại Chư Pưh với sự tham gia của 17 hộ. Từ đây, mô hình trồng dâu nuôi tằm có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân đã dần thay thế những diện tích hồ tiêu. Theo số liệu của Nông hội Dâu tằm, giai đoạn 2019 - 2023, với giá kén dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã có thu nhập ổn định.

A4 DOC CANH.jpg
Đồng bào dân tộc ở huyện Chư Pưh chuyển dần sang trồng dâu nuôi tằm, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng giúp nâng cao đời sống. Ảnh: Quang Thái

Bên cạnh trồng dâu nuôi tằm, nhiều mô hình chăn nuôi ở Chư Pưh cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm sự phụ thuộc của người dân vào cây hồ tiêu. Điển hình như gia đình anh Đoàn Văn Thái ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ. Năm 2015, hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, khiến ông Thái thiệt hại toàn bộ tài sản tích cóp và 250 triệu đồng vay ngân hàng. Mất đi nguồn thu nhập chính, cộng thêm gánh nợ ngân hàng, vợ chồng ông Thái phải vào Nam làm công nhân. Sau hơn một năm, ông Thái mới trở về địa phương tìm sinh kế mới.

A3 DOC CANH.jpg
Nuôi dê, hướng đi bền vững của đồng bào dân tộc ở huyện Chư Pưh sau thời gian dài gắn bó với cây hồ tiêu. Ảnh: Quang Thái

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2017, ông Thái triển khai mô hình nuôi dê bằng số vốn ít ỏi. Với kỹ thuật chăn nuôi vững, sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Thái liên tục có lãi và hiện có gần 300 con dê, thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Ông Thái chia sẻ: “Khi cây hồ tiêu chết đồng loạt, tôi từng nghĩ rằng, ở vùng đất này không có sinh kế khác. Nhưng nay thì khác, nhiều gia đình trong xã đã vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi dê...”.

A7-Vườn giống quy mô 11 triệu cây giống- năm của Công ty CP Quốc tế Thông Đỏ.JPG
Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ xây dựng trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Chư Pưh. Ảnh: Quang Thái
A8-anh Hoai Nam-Chu Puh Gia Lai.jpg
Trồng bưởi đỏ Hòa Bình trên diện tích hồ tiêu bị chết ở thôn Plei Thơ Ga B, xã Chư Đôn, huyện Chư Pưh Ảnh: Quang Thái
A6-Chanh dây đang mang lại lợi nhuận cao cho người dân.JPG
Nhận thấy giá chanh dây ổn định, phù hợp với vùng đất đỏ bazan, không ít hộ đồng bào dân tộc ở huyện Chư Pưh chuyển sang trồng chanh dây-Ảnh: Quang Thái

Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, gắn với liên kết sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình từng là “con nợ của cây tiêu” vươn lên phát triển bền vững. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chư Pưh những năm qua luôn ở mức khá, bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 9,86%. Huyện đã có 6 xã và 9 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Địa bàn bình yên là điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Quang Thái

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm