Mặc dù, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tới 6 tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm nhưng tỉnh Sóc Trăng vẫn đạt mức tăng trưởng 1,18%, đứng thứ 3 trong khu vực. Đóng góp vào mức tăng trưởng của tỉnh thì lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng 0,22%. Kết quả này được cho là một thành quả tích cực trong điều kiện sản xuất đình trệ, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản khó khăn.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các giải pháp phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn, ứng phó với mưa bão, triều cường, sạt lở bờ kênh, bờ sông, bờ biển, bảo vệ sản xuất, đời sống người dân. Qua đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ổn định và có bước phát triển.
Trong năm, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 327.825 ha lúa, giảm 7,3% so với năm 2020; sản lượng lúa đạt 2,06 triệu tấn, giảm 1% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao 1,53 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 74,3%, riêng lúa đặc sản, lúa thơm các loại đạt 1,1 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 53,4% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh, vượt 0,4% chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh, tăng 1,28% so với năm 2020.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng. Trong năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi 1.006 ha đất lúa sang cây trồng khác và chăn nuôi; 784 ha mía sang cây trồng khác và chăn nuôi; gieo trồng được 44.293 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích cây ăn trái hiện có 30.200 ha, tăng 8,7% so cùng kỳ.
Tỉnh cũng đã duy trì và mở rộng một số mô hình sản xuất tiến bộ, như: sản xuất màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP được 469,56 ha; đã cấp và duy trì 72 mã code với diện tích 497,21 ha cho các vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu của tỉnh, tăng 30 mã code, 97,21 ha so với cuối năm 2020.
Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 35 trang trại, cơ sở nuôi tôm áp dụng tiêu chuẩn GAP (ASC, BAP, VietGAP, GlobalGAP), có 4 hợp tác xã nuôi tôm với diện tích 200 ha liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trong tỉnh (Hợp tác xã Toàn Thắng Thủy sản, Hợp tác xã Hòa Nghĩa, Hợp tác xã Hưng Phú và Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A)... Từ đó, tạo được vùng nguyên liệu ổn định, an toàn cung ứng cho các nhà máy chế biến trong tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2021 đạt ngưỡng gần 1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp cho hiệu quả cao như mô hình nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, mô hình “Lúa thơm-tôm sạch” ở huyện Mỹ Xuyên, mô hình liên kết sản xuất nuôi trồng kết hợp chế biến của các doanh nghiệp ở thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề… cho thu nhập mỗi ha thủy sản thâm canh trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trong đó có mô hình làm lúa đặc sản ST25 kết hợp nuôi tôm của nông dân Huỳnh Thanh Bằng, ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, mấy vụ vừa qua, mỗi vụ ông thu hoạch 15, 16 tấn lúa ST25 từ 2 ha, giá bán 8.000 - 8.500 đồng/kg. Trừ chi phí, ông còn lãi hơn 90 triệu đồng. Trong khi đó, với việc kết hợp với nuôi tôm, ông Bằng còn thu hoạch hơn 400 kg tôm sú tự nhiên từ ruộng lúa, lãi hơn 40 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong 1 vụ tôm - lúa, ông đã thu hơn 130 triệu đồng.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, từng bước giao dịch sản phẩm nông nghiệp thủy sản theo hướng liên kết, đưa lên sàn giao dịch… đã tăng nhanh giá trị kinh tế, lợi nhuận cao cho nhà nông Sóc Trăng.
Giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng hiện đạt cao với 207 triệu đồng/ha/năm 2021, (vượt Nghị quyết của tỉnh là 204 triệu đồng/ha và tăng gần 30 triệu đồng/ha so với năm 2020). Đây được coi là năm thành công của ngành nông nghiệp Sóc Trăng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm trong năm hoạt động sản xuất gần như bị “đóng băng”…
Trung Hiếu