Trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn 2019-2020 được xem là gay gắt nhất từ trước đến nay, nông dân Sóc Trăng không tránh khỏi những thiệt hại trong sản xuất khi hơn 4 nghìn ha lúa bị mất trắng, hàng chục ha cây ăn trái, rau màu bị ảnh hưởng... Hạn hán, xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, khiến hàng chục nghìn hộ tại các địa phương vùng ven biển của các huyện như Trần Đề, Long Phú, Vĩnh Châu… bị thiếu nước sinh hoạt.
Vượt qua những thách thức của hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với sự nhanh nhạy đã chủ động trong sản xuất, tích cực chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi mới; áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, qua đó đảm bảo thu nhập, mở ra hướng đi mới, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và những cực đoan của thời tiết trong tương lai.
Đến với huyện Cù Lao Dung, địa phương vốn được ví như “thủ phủ” mía của Sóc Trăng và khu vực miền Tây trước đây, sau nhiều năm rớt giá, vị ngọt của cây mía đã không còn nữa. Trong khi nhiều nông dân xứ cù lao vẫn đang loay hoay tìm con đường “thoát” mía, chuyển sang những cây trồng, vật nuôi mới phù hợp, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao thì vườn nhãn Edaw (còn gọi là nhãn Ido) của anh Trần Văn Khánh ở ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây đã cho thu hoạch từ cách đây vài năm.
Anh Trần Văn Khánh chia sẻ, trước đây gia đình hầu hết cũng trồng mía; tuy nhiên, sau nhiều vụ mía thất bại cả về năng suất lẫn giá bán, năm 2016 cả gia đình đã quyết chí chuyển đổi sang trồng nhãn Edaw.
Trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn 2019-2020, đa số diện tích mía ở Cù Lao Dung đều bị ảnh hưởng về năng suất, giá bán mía cũng thấp, người trồng mía không thu lãi được bao nhiêu. Thậm chí nhiều mía không bán được, chủ rẫy mía buộc lòng phải đốt bỏ thì vườn nhãn gần 1 ha của anh Trần Văn Khánh vẫn cho thu hoạch đều đặn trung bình gần 100 kg/ngày.
Theo anh Trần Văn Khánh, vườn nhãn của gia đình được trồng theo hình thức rải vụ (thu hoạch quanh năm) và áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt nên những gốc nhãn không hề bị thiếu nước, kể cả mùa khô. Để chủ động trong công tác tưới tiêu và đảm bảo nguồn nước, trong vườn nhãn, anh Khánh đã làm sẵn một hồ nước rộng chừng 500 mét vuông, được trải bạt nhằm tránh nguồn nước mặn nhiễm vào hồ, gây ảnh hưởng đến vườn cây.
"Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, có hồ nước ngọt trữ sẵn sẽ yên tâm trong sản xuất. Khi nào hết nước, tôi lại lấy từ nguồn nước ngầm lên. Để lắng qua đêm là có thể bơm tưới được cây. Làm hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vào mùa khô, lại tránh được hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo được nguồn thu nhập cho gia đình" - anh Khánh chia sẻ
Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc nhìn nhận: Từ sau đợt hạn 2015-2016 đến nay, trên địa bàn huyện Cù Lao Dung đã có trên 3 nghìn ha mía chuyển sang cây ăn trái, nuôi thủy sản. Qua đánh giá chung của ngành Nông nghiệp huyện, các diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Đến nay trên địa bàn huyện đã được cấp 4 mã số vùng trồng trên nhãn Edaw, xoài và thanh nhãn. Ngành Nông nghiệp cũng phấn đấu, các diện tích chuyển đổi từ cây mía sang trồng cây ăn trái đến đâu sẽ đủ điều kiện để được cấp mã số vùng trồng đến đó.
Tại xã Song Phụng (huyện Long Phú), trong khi nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân muộn (vụ 3) của nông dân trên địa bàn gần như bị mất trắng thì vườn chanh leo ngọt của ông Nguyễn Hữu Công vẫn ra trái đều, giúp cho gia đình “sống khỏe” trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo ông Nguyễn Hữu Công, những năm trước, ông chủ yếu trồng nhãn da bò, nhưng năng suất và giá bán không cao, chưa kể bệnh chổi rồng đe dọa thường xuyên, khiến thu nhập bấp bênh. Nhờ sự dày công mày mò trong lai tạo giống, ông đã phát triển được giống chanh leo ngọt, nhờ đó cuộc sống gia đình ông khá dần lên. Đến nay, hơn 3 nghìn m2 nhãn da bò của gia đình trước đây đã được ông Nguyễn Hữu Công thay thế bằng vườn chanh leo ngọt.
Với năng suất khoảng 2 tấn trên mỗi công, giá bán từ 70-100 nghìn/kg, thu nhập hàng năm từ hơn 3 công vườn chanh leo ngọt của ông Nguyễn Hữu Công thực sự là niềm ao ước với nhiều hộ sản xuất lúa.
Nhờ nắm rõ quy luật sinh trưởng của cây, cộng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác như lai ghép cây, phun tưới nhỏ giọt, điều khiển hệ thống phun tưới bằng điện thoại... trước diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua, vườn chanh leo ngọt của ông Công vẫn xanh mướt và trĩu quả. Không những thế, ông Công còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chung tay cùng chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp nhân rộng giống chanh leo ngọt này, góp phần giúp các hộ dân trồng vườn khác có hướng tiếp cận mới trong sản xuất, đặc biệt là trong những năm hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt như vừa qua.
Mùa khô, trong khi nông dân tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn đang ra sức chống chọi, tìm những cây và con thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn thì những nông dân tại các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú đã mạnh dạn chuyển đổi, thay thế những thửa ruộng vụ 3 bằng hình thức đưa màu xuống chân ruộng.
Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) Nguyễn Thành Phước thông tin, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các cấp và nông dân trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng tại các vùng lúa kém hiệu quả sang cây màu hoặc cây ăn trái và thủy sản. Qua gần chục năm hình thành và phát triển, mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng đã khẳng định được sự hiệu quả, tính thích ứng cao trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, mang lại thu nhập cho người dân trong những tháng nông nhàn mùa khô.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng Lương Minh Quyết, mục tiêu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tăng chỉ tiêu về chất lượng thay cho sản lượng được ngành Nông nghiệp Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, ngành khuyến khích nông dân trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi, cây màu có hiệu quả kinh tế cao, để thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Việc làm này hạn chế được sức tác động của hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, khốc liệt, gây ảnh hưởng sâu rộng như hiện nay.
Chanh Đa