Quảng Nam: Thu nhập cao từ chuyển đổi ruộng muối kém hiệu quả sang nuôi tôm lót bạt

Quảng Nam: Thu nhập cao từ chuyển đổi ruộng muối kém hiệu quả sang nuôi tôm lót bạt
Ông Đoàn Văn Hùng ở thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Nam Thành chuyển sang mô hình nuôi tôm trên ruộng muối. Ảnh: baoquangnam.vn
Ông Đoàn Văn Hùng ở thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Nam Thành chuyển sang mô hình nuôi tôm trên ruộng muối. Ảnh: baoquangnam.vn

Trước đây, nói đến xã Tam Hòa là người ta biết đến là địa phương người dân chuyên làm nghề muối lớn nhất tỉnh Quảng Nam và tập trung chủ yếu tại các thôn Bình An, Hòa Bình và Đông Thạnh Đông. Vào thời điểm đó, việc sản xuất muối là một nghề mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình tại địa phương.

Tuy nhiên, đến năm 2015, do biến động của thị trường nên giá muối không còn ổn định, có lúc giảm đáng kể. Cùng với đó, do nằm ở khu vực thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão, lũ đã khiến cho việc sản xuất muối của bà con gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Bùi Ngọc Tiên (trú thôn Đông An, xã Tam Hòa) cho biết, khi còn gắn bó với nghề sản xuất muối, gia đình ông phải làm lụng rất vất vả, tuy nhiên thu nhập chủ yếu lại phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi sẽ cho năng xuất muối ổn định 100 kg muối/ngày.

Số muối thu hoạch được ông Tiên đem đi bán thu về được số tiền lãi từ 200.000 – 300.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ cần xuất hiện một trận mưa giông là toàn bộ ruộng muối, cùng bao công sức của những hộ diêm dân nơi đây đều “đổ sông, đổ biển”.

Do đó, nhiều hộ gia đình tại xã Tam Hòa đã chấp nhận đầu tư thêm kinh phí để cải tạo ruộng muối kém hiệu quả sang hướng đi có hiệu quả hơn là nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên hưởng ứng việc chuyển đổi này, ông Bùi Ngọc Tiên chia sẻ, cuối năm 2019, ông bàn bạt cùng với vợ và quyết định bỏ ra 200 triệu đồng để đầu tư vào mua máy móc, trang thiết bị và thuê nhân công cải tạo 1.800 m2 diện tích ruộng muối thành ao nuôi tôm.

Sau đó, gia đình ông Tiên mua 21.000 con tôm thẻ chân trắng về thả nuôi. Bước đầu, tôm nuôi phát triển rất tốt, sau hơn 3 tháng, thì tôm đã đạt đủ kích cỡ để có thể đem đi thu hoạch và xuất ra thị thường. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông Tiên đã thu về số tiền lãi gần 130 triệu đồng, gấp nhiều lần so với công việc sản xuất muối trước đây.

Được biết, số tiền để đầu tư vào một một ao nuôi tôm lên đến 300 – 400 triệu đồng, có khi lên đến hàng tỷ đồng, cao hơn rất nhiều lần so với làm muối. Tuy nhiên, việc nuôi tôm lại tốn ít công sức hơn và lợi nhuận thu về cũng rất ổn định. Theo người dân nơi đây tính toán, nếu sau 3 tháng thả nuôi tôm trong 1 ao có diện tích 1.000 m2 sẽ mang lại nguồn thu nhập lên đến hơn 100 triệu đồng tiền lãi.

Cũng như hộ gia đình ông Bùi Ngọc Tiên, gia đình ông Nguyễn Văn Bình (trú thôn Đông An, xã Tam Hòa) cũng đã thành công nhờ mô hình nuôi tôm lót bạt này. Ông Nguyễn Văn Bình, phấn khởi cho biết, đây là vụ thứ 2 mà gia đình ông thực hiện công việc nuôi tôm lót bạt. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm, thế nhưng, sau mùa vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu về lãi ròng hơn 100 triệu đồng từ mô hình này.

Với ước mơ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, nhiều hộ dân tại xã Tam Hòa đã chấp nhận từ bỏ mô hình sản xuất muối truyền thống để chuyển đổi sang nuôi tôm lót bạt. Toàn xã Tam Hòa hiện có khoảng 15 ha ruộng làm muối được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm loát bạt. Tất cả các hồ tôm người dân đang nuôi đều đang phát triển rất tốt nhờ thời tiết thuận lợi, vì vậy cho năng suất cao, tạo được nguồn thu nhập cao cho người dân trong vùng.

Nhằm hỗ trợ cho bà con trong việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, chính quyền xã Tam Hòa cùng ngành chức năng cũng đã hướng dẫn kỹ cho người dân các kỹ thuật về nuôi tôm, cách thức phòng bệnh cho tôm… Từ đó, khuyến khích người dân chuyển đổi sang hướng đi mới có nhiều hiệu quả hơn.

Ông Lê Văn Hiệp, cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành cho biết, Phòng đã thực hiện hướng dẫn và giúp đỡ cho người dân trong việc chọn lựa mua giống tôm có chất lượng tốt, đã qua kiểm dịch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, thức ăn, vật tư, thuốc tránh gây bệnh cho tôm cũng được cán bộ phòng hướng dẫn kỹ càng cho người dân.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân phải có phương thức xử lý nước thải và có kênh cấp, thoát nước cho ao nuôi nhằm tránh gây ô nhiễm đến môi trường và làm giảm nguy cơ dịch bệnh trên tôm, giúp tôm đạt năng suất cao hơn.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành sẽ thực hiện việc rà soát lại hộ gia đình nuôi tôm và những hộ có ý định chuyển sang mô hình này để hướng dẫn cho người dân biết đến mô hình nuôi tôm theo công nghệ VietGAP.

Qua đó, giúp các hộ nuôi tôm có thể tiếp cận được các quy trình kỹ thuật tiến bộ như nuôi tôm theo quy trình vi sinh, không sử dụng các chất kháng sinh gây độc hại để tôm đạt được năng suất, chất lượng cao nhất và tạo được đầu ra ổn định, đặc biệt hướng tới việc xuất khẩu tôm theo đúng tiêu chuẩn.
Trần Tĩnh – Khoa Chương
TTXVN

Có thể bạn quan tâm